Cởi nút thắt “tài sản đảm bảo” cho tín dụng nông nghiệp

Nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được Chính phủ, hệ thống ngân hàng ưu tiên cho vay vốn. Tuy nhiên trên thực tế, nông dân nhiều nơi vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Anh Nguyễn Đăng Cường ở Thuận Thành, Bắc Ninh, là một trong những nông dân tiêu biểu, được nhiều người biết tới với mô hình 42 ha trồng lúa, nuôi cá và vịt trời đem lại lợi nhuận cao, được Hội Nông dân Việt Nam cho sang Hàn Quốc để học tập các mô hình nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, nói về việc tiếp cận vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, anh Cường cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà đa số nông dân đều gặp rất nhiều khó khăn… vì không có tài sản thế chấp”.


Agribank chi nhánh Lạng Sơn đang cho nông dân vay vốn.

Nông dân chỉ có đất nông nghiệp thì không thể vay được vốn ngân hàng, vì đất đai do Nhà nước quản lý, chỉ giao quyền sử dụng nên không thể thế chấp. Còn vay tín chấp thì không được nhiều. Hiện anh Cường đang vay ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng, nhưng đều phải có tài sản đảm bảo là bất động sản và chỉ vay được 70% giá trị tài sản. Thời hạn vay cũng chỉ là 6 tháng.


Anh Cường nói thêm: “Chính phủ đã có Nghị định 55 về khuyến khích cho vay nông dân, nông nghiệp. Với trang trại như chúng tôi có thể vay được tối đa tới 2 tỷ đồng nhưng thực tế rất khó để vay được mức này. Trong khi đó, để đầu tư 1 ha nông nghiệp công nghệ cao cần 6 - 10 tỷ đồng, còn làm quảng canh tối thiểu cũng phải mất 1 tỷ đồng mới tạo ra sản phẩm có giá trị cao.


Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), suốt thời gian dài, các hợp tác xã rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Trong năm 2015, chỉ có 0,67% trên tổng số 11.000 hợp tác xã trên cả nước tiếp cận được nguồn tín dụng. Hiện nay, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn rất thấp. Tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 6/2016 chỉ chiếm 18% tổng dư nợ nền kinh tế”.


Đại diện ngân hàng Agribank cho biết: Nhà nước cần quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ tuyên truyền quảng cáo, tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, thực tế tài sản thế chấp ở nông thôn rất khó trong xử lý do tài sản nhà xưởng hay tài sản có giá trị cao như vườn cao su, hồ tiêu đa phần trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận. Cũng cần tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại, khi thực hiện tín dụng chính sách, các tổ chức tín dụng cũng cần được hưởng những ưu đãi như các đơn vị sản xuất kinh doanh khác như tạo nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất, chính sách thuế…

 

Phát triển bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế rủi ro


Theo các chuyên gia, để phát triển hệ thống tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì hệ thống chính sách tín dụng khu vực này cần phải được tích hợp đồng bộ với các hệ thống chính sách khác có liên quan như: chính sách bảo hiểm, vốn hóa đất, lao động, đầu tư…


Để hạn chế rủi ro đối với người cho vay, đại diệnngân hàng Agribank cho rằng, sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, chi phí lớn nên các tổ chức bảo hiểm ít tham gia. Do vậy, Nhà nước cần phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, đặc biệt là đối với những dự án lớn, dự án công nghệ cao.


Cùng chung quan điểm này, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), hệ thống tín dụng cần tích hợp với chính sách bảo hiểm nông nghiệp bằng cách coi giá trị bảo hiểm là tài sản thế chấp để có thể vay vốn ngân hàng. Đối với khu vực đất nông nghiệp, hệ thống tín dụng cần xác định theo giá thị trường để làm căn cứ cho vay vốn (thay vì chỉ xác định chỉ cho vay không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay, là giá trị đất theo khung giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh quy định).


Để mở rộng khả năng tiếp cận vốn của nông dân, đại diện ngân hàng Agribank cho biết, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… để đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm. Mục tiêu là phục vụ bà con nông dân tốt hơn nữa, sử dụng vốn có hiệu quả.


Về phía người nông dân, anh Nguyễn Đăng Cường kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách để giúp nông dân có thể dùng đất được giao để thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Thời gian vay cũng cần dài hơn, vì chu kỳ sản xuất nông nghiệp phải từ 3-5 năm mới thu hồi được vốn. Lãi suất cần ưu đãi hơn các lĩnh vực khác”.


T.S Phí Trọng Hiển, Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát, Ngân hàng nhà nước cho biết: “Chúng tôi đang rà soát lại thể chế để điều chỉnh các chính sách tín dụng vi mô, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là kêu gọi được nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp”.

 

H.V
Giải pháp đầu tư tín dụng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long
Giải pháp đầu tư tín dụng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, tại Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã kiến nghị một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN