Đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn do phong tục, tập quán, cũng như trình độ canh tác nông nghiệp lạc hậu. Hướng đến mục tiêu giảm nghèo và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thiết thực đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững.
Sau 10 năm đồng hành cùng với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, giúp cho hơn 95.000 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo; thu hút và tạo viêc làm cho hơn 20.000 lao động; trong đó gần 600 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 4.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo chuyển biến mới về nhận thức, cách tiếp cận các phương thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên cải thiện cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen vùng nông thôn.
Điển hình cho những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo bền vững là gia đình anh Siu Đơl (dân tộc Jrai) ở thôn H’Lil 2, xã Ia MRơn, huyện Ia Pa. Năm 2011, được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, gia đình anh Đơl đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng theo diện hộ nghèo để mua 1 con bò sinh sản về tăng gia sản xuất.
Sau gần 3 năm chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, năm 2014, gia đình anh bán bò được 25 triệu đồng và trả hết vốn vay ngân hàng. Còn lại ít vốn anh tái đầu tư vào trồng mía, sắn, lúa… Cứ thế, có tiền lại đầu tư mở rộng. Đến năm 2015, gia đình anh đã thoát nghèo. Đầu năm nay, gia đình anh tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn theo diện hộ mới thoát nghèo để mở rộng sản xuất. Có thêm vốn, gia đình anh Đơl đầu tư có chiều sâu 2 ha mía, 2 ha sắn, 1 ha lúa và đàn bò 5 con. Các khoản thu này mang lại cho gia đình anh Đơl thu nhập 70 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí.
Ga đình chị Rơ Châm H’Ốp ở làng Chinh Đơn 2, xã Ia Mlá, huyện Krông Pa cũng là một điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay. Năm 2012, gia đình chị được hỗ trợ cho vay theo tiêu chuẩn hộ nghèo 40 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn bò đã phát triển tăng đàn lên 11 con và giúp gia đình chị thoát nghèo từ năm 2016. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn hộ mới thoát nghèo 40 triệu đồng để đầu tư trồng 2 ha sắn. Chỉ tính riêng nguồn thu từ 2 ha sắn đã cho thu nhập 25 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ia Pa là một địa phương thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh chiếm 38%; trong đó tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Nhận thức được vấn đề này, địa phương rất quan tâm đến xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương và người dân còn nhiều hạn chế. Do vậy, nguồn vốn chính sách xã hội là một kênh quan trọng, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có điều kiện thuận lợi vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Vĩnh Hương chia sẻ, sau khi nguồn vốn ưu đãi đến với bà con, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng hiệu quả đồng vốn. Những hộ thoát nghèo cũng dần có kinh nghiệm, biết sử dụng đồng vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để giảm nghèo bền vững, địa phương tranh thủ lồng ghép tập huấn và chuyển giao các mô hình sinh kế có hiệu quả từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Dự án Hỗ trợ tam nông… để bà con định hướng đầu tư có hiệu quả; qua đó góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của địa phương xuống 5% - tốc độ giảm nghèo cao so với tỉnh.
Trên cơ sở nguồn vốn tín dụng chính sách được giao hàng năm, hệ thống Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai ưu tiên phân bổ vốn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất cho hộ nghèo. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân và có sự giám sát của chính quyền địa phương. Tất cả các thôn, làng, tổ dân phố đều đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng.
Ông Đinh Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, thông qua mạng lưới giao dịch, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi. Ngoài ra, ngân hàng còn triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, toàn hệ thống đã tạo đều kiện cho trên 17.000 lượt hộ vay với tổng dư nợ 600 tỷ đồng. Nguồn vốn này là cơ sở thuận lợi cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất; từ đó cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững; đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu thiết thực của hộ nghèo và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế, chưa biết cách tổ chức sản xuất, sắp xếp cuộc sống, thiếu tích lũy vốn…, nên nhiều hộ mới thoát nghèo đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo cao.
Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tạo động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thêm tự tin, nỗ lực duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.