Cơ hội nhà ở cho người lao động

Thời gian qua các bộ ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về cho vay hỗ trợ mua nhà ở. Trong đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT - NHNN ngày 15/05/2013 về cho vay hỗ trợ nhà ở nhằm tạo điều kiện tín dụng ưu đãi để người thu nhập trung bình và thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thể mua, thuê và thuê mua nhà để ở. Để tìm hiểu việc triển khai nghị quyết này trên địa bàn tỉnh Bình Phước, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Phước (BIDV Bình Phước).

 

* Thưa ông, với chương trình này, khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân tại Bình Phước được vay ưu đãi như thế nào?


Khách hàng là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (hoặc nhà ở thương mại chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội) chỉ cần có vốn tối thiểu tham gia vào dự án là 30% tổng mức đầu tư và chưa vay vốn hỗ trợ tại các ngân hàng là có thể tham gia chương trình này.


Ở Bình Phước, 400 triệu đồng có thể sở hữu được căn nhà theo điều kiện qui định. Khi khách hàng vay 300 triệu đồng để mua nhà (thời hạn 10 năm và lãi suất 6%/năm) thì hàng năm trả nợ gốc 30 triệu đồng (khoảng 2,5 triệu đồng/tháng) và nợ lãi trả theo dư nợ giảm dần, bình quân khoảng 1 triệu đồng/tháng (năm đầu cao nhất là 1,5 triệu đồng/tháng). Như vậy, khoản nợ gốc và lãi phải trả bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng khá hợp lý để gia đình có tổng thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng có thể mua nhà.

Khách hàng cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... và người lao động (gọi chung là người lao động) chưa có hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá nhỏ và có nhu cầu mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Các đối tượng cũng chỉ cần có đủ vốn tự có tham gia tối thiểu 20% giá trị căn hộ và chưa được vay vốn hỗ trợ tại các ngân hàng.


Điều quan trọng là mức lãi suất vay khá hấp dẫn là 6%/ năm và thời hạn vay khá dài, phù hợp với thu nhập và dòng tiền trả nợ, thời hạn vay của khách hàng doanh nghiệp tối đa 5 năm và người lao động tối đa 10 năm (không vượt quá ngày 1/6/2023 vì sau đó lãi suất được thỏa thuận tùy thuộc ngân hàng). Đối với BIDV Bình Phước ngoài ưu đãi trên, sẽ cho vay đến 15 năm và lãi suất từ năm thứ 11 trở đi là lãi suất bình quân tiết kiệm 12 tháng + biên độ 2%, lãi tính trên dư nợ giảm dần.

 

* Đây là cơ hội để người lao động sở hữu nhà đồng thời cũng là dịp phát triển thị trường nhà ở tại Bình Phước. Ông đánh giá như thế nào về thị trường BĐS ở Bình Phước?


Nhu cầu về nhà ở và vay ưu đãi ở Bình Phước có thể nói là rất tiềm năng. Vì qua khảo sát, cứ 1.000 người lao động trẻ trên địa bàn thì 80% mong muốn có căn nhà mình sở hữu; 20% là đã có gia đình hậu thuẫn hỗ trợ. Những trường hợp mong sở hữu nhà thì đến 80% có nhu cầu vay ưu đãi và 20% là có thể tự lo tài chính.


Đối với doanh nghiệp, đa phần rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn rẻ để đầu tư vì nhu cầu nhà ở là có, nếu được hỗ trợ nguồn tài chính với chi phí thấp thì rất hiệu quả.


Tuy nhiên khi hỏi đến thông tin về nhà ở xã hội và gói tín dụng cho vay ưu đãi thì đa phần đều bỡ ngỡ vì thiếu thông tin; một số người thì nghi ngờ gói tín dụng lãi suất ưu đãi sẽ khó được vay và e ngại về thủ tục “nhiêu khê”, một số doanh nghiệp than phiền về thủ tục hành chánh của các cơ quan ban ngành để đầu tư một dự án nhà ở xã hội và thủ tục ngân hàng để có được nguồn vốn giá rẻ.

 

* Để chính sách ưu đãi này nhanh chóng trở thành hiện thực thì BIDV Bình Phước, Chính quyền địa phương và người lao động trong diện ưu đãi cần phải làm gì để triển khai có hiệu quả?


Thông thường, người thu nhập thấp khó tiếp cận các khoản vay mua nhà do áp lực trả nợ hàng tháng. Nhưng theo quy định mới thì người lao động tiếp cận nguồn vốn vay tại các Ngân hàng thương mại nhà nước với thời hạn vay dài, lãi suất thấp rất phù hợp với dòng tiền trả nợ của người vay, đây là lí do tạo ra nguồn cầu về thị trường bất động sản rất lớn.


Nghị quyết 02, thông tư 11 đã vận hành và từng bước đi vào thực tiễn tại tỉnh Bình Phước nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại như CB - CNV và người lao động thì thiếu thông tin; UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tuy đã có chỉ đạo nhưng chưa có kế hoạch phối hợp triển khai; Ngân hàng Nhà nước tại Bình Phước đã chỉ đạo các NHTMNN như BIDV, AGRIBANK, VIETINBANK nhưng việc triển khai, quảng bá, giới thiệu, liên kết chương trình này còn sơ sài...


Để chính sách đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội cho Bình Phước, theo tôi, các bên liên quan phải bàn bạc tìm ra hướng đi chung: thủ tục nhanh gọn, giảm thiểu nhiêu khê; đồng thời chương trình phải triển khai đồng bộ, quyết liệt và theo quy trình khép kín Chính quyền - Chủ đầu tư - Ngân hàng - CB - CNV và người lao động. Nếu 3 ngân hàng thương mại trên địa bàn dành 1.000 tỷ đồng cho chương trình và bình quân mỗi căn hộ vay 300 triệu đồng/căn thì Bình Phước sẽ có 4.000 căn hộ (có 1 phần vốn tự có tham gia) cho người lao động.


Chương trình nhà ở xã hội hay nói đúng hơn là nhà ở cho người lao động có mức thu nhập vừa phải có ý nghĩa thiết thực đến phát triển thị trường bất động sản theo định hướng ổn định và bến vững, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư đồng thời tạo cơ hội nhà ở cho người lao động để an cư lạc nghiệp và hơn thế nữa là thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của chính quyền địa phương với người lao động trên địa bàn.


Xin cảm ơn ông!



Đăng Giới (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN