Chương trình mỗi xã một sản phẩm phát huy hiệu quả tại Hà Giang

Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Chú thích ảnh
Hồng không hạt sản xuất tại Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ. Ảnh: baohagiang.vn

Là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, sau một năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Quản Bạ đã có 27 chủ thể (16 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 10 hộ dân) đăng ký tham gia thực hiện Đề án OCOP với 37 sản phẩm tham gia; trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có sẵn.

Qua rà soát theo bộ tiêu chí tạm thời, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao. Với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, huyện Quản Bạ đã lựa chọn 14 sản phẩm đạt tiêu chí, thuộc 4 nhóm để tập trung nguồn lực và các giải pháp hoàn thiện.

Qua triển khai chương trình, nhiều nhóm thực phẩm đã mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao như: Mật ong hoa xuyến chi được sản xuất tại Hợp tác xã mật ong dược liệu Thanh Vân; mật ong Bạc Hà sản xuất tại Hợp tác xã nông nghiệp Mạnh Sơn; trà gừng Cao Nguyên đá sản xuất tại Hợp tác xã Nặm Đăm; trà Giảo cổ lam sản xuất tại Hợp tác xã phát triển dược liệu Thanh Long; hồng không hạt sản xuất tại Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ. Nhóm thảo dược có các sản phẩm cao Astiso, cồn xoa bóp sản xuất tại Hợp tác xã Nặm Đăm…

Theo ông Nguyễn Chí Thâm, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ: Tất cả các sản phẩm được lựa chọn thực hiện theo đề án OCOP đều đã có nhãn mác, bao bì. Một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết xuất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động.

Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Quản Bạ đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2019 huyện Quản Bạ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến; thiết kế nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm.

Đặc biệt, sau khi huyện Quản Bạ hoàn thiện 14 sản phẩm đủ theo tiêu chuẩn của Đề án OCOP, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức thi cấp chứng nhận và sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Hà Giang phấn đấu xây dựng mỗi huyện có từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế.

Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Quản Bạ triển khai thí điểm thực hiện Đề án OCOP. Ngay sau khi triển khai, UBND huyện Quản Bạ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp huyện; ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, thành lập các tổ thẩm định, tư vấn, đánh giá sản phẩm và ban hành bộ tiêu chí (tạm thời) đánh giá, xếp hạng sản phẩm; chủ động mời đơn vị tư vấn triển khai đề án; tiến hành lựa chọn, đánh giá các sản phẩm.

Minh Tâm (TTXVN)
Tuyên truyền khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên
Tuyên truyền khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên

Sáng 8/1, tại Trường Đại học Nông Lâm, TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ phát động Khởi nghiệp từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thanh niên, sinh viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN