Chủ động ứng phó với bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh - Nam Định khoảng 490 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.


 

Lực lượng quân đội và nhân dân tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng) triển khai công tác phòng, chống bão. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy khoảng tối nay (2/8) bão số 5 sẽ vượt qua phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 4 giờ sáng ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ kinh đông cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 170 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.


Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh phía đông Bắc Bộ.


Đến 16 giờ ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.


Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 4/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 103,2 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi tây bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).


Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.


Thái Bình: Từ 16 giờ chiều 2/8, bão số 5 đã bắt đầu gây mưa to, gió giật mạnh tại tỉnh. Bão cũng gây mưa to tại huyện Tiền Hải, đúng vào thời điểm triều cường lên đỉnh, khiến nước biển dâng cao tới 3 m.


Đến chiều 2/8, huyện Tiền Hải đã cơ bản di dời khoảng trên 2.500 lao động trên các chòi nuôi ngao, đầm nuôi trồng thủy sản ven biển vào trong đê tránh trú bão. Toàn bộ 718 phương tiện tàu, thuyền với hơn 2.000 lao động của Tiền Hải cũng đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Tỉnh cấm tất cả người dân không được ra ngoài đê chính và yêu cầu mọi người còn ở ngoài đê chính vào nơi tránh trú an toàn; kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển và người ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ vào bờ.


Quảng Ninh: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng chống bão, bố trí người trực để giải quyết những sự cố có thể xảy ra trong bão. Cũng trong sáng 2/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập ba đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại các địa phương. (Xem tiếp trang 12)

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão.


Nam Định: Đến 9 giờ ngày 2/8, toàn bộ số tàu, thuyền với hơn 11.000 ngư dân trong tỉnh đã vào nơi trú bão an toàn. Các công ty khai thác công trình thủy lợi huy động tối đa số máy bơm, chủ động bơm tiêu rút nước khi cần thiết. Đến nay, có khoảng 80 máy bơm của các trạm đang trong tư thế sẵn sàng hoạt động. Tỉnh Nam Định cũng đã chuẩn bị nhiều vật tư, phương tiện tại các tuyến đê xung yếu và đã xử lý xong các sự cố hư hỏng trên tuyến đê biển sau cơn bão số 2 và 3.


Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các các địa phương yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh, trú bão; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển.


Hải Phòng: Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, trước 21 giờ ngày 2/8, huyện Cát Hải và các địa phương cơ bản hoàn tất công tác sơ tán dân, di chuyển, neo đậu tàu, thuyền, lồng bè và kiểm tra gia cố hệ thống đê. Thành phố dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17 giờ ngày 2/8. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố đã điều động 521 lượt cán bộ chiến sĩ, 29 lượt tàu xuồng, ô tô các loại trực phòng chống bão số 5, thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về diễn biến bão để chủ động di chuyển phòng, tránh.


Ninh Bình: Sáng 2/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắn pháo hiệu cảnh báo bão, triển khai 3 tổ tuần tra sử dụng xuồng máy thường xuyên tuần tra kiểm soát, ngăn chặn tàu, thuyền ra khơi; kêu gọi người và phương tiện đang hoạt động trên biển nhanh chóng vào nơi tránh, trú bão an toàn. Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công trình thủy lợi đã mở 44/162 cống tiêu nước, vận hành liên tục 80 máy bơm hút nước đệm nội đồng, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng. Công ty Điện lực Ninh Bình đảm bảo đủ điện phục vụ công tác chống úng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.


Thanh Hóa: Đến 9 giờ ngày 2/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc được với 7.783/7.901 tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn tại các cảng cá, âu thuyền trong và ngoài tỉnh.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã gửi công điện khẩn đến 6 huyện, thị xã ven biển, yêu cầu bằng các biện pháp tốt nhất thông báo cho tất cả các tàu cá nắm diễn biến của cơn bão số 5 để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn các tàu đã vào bờ neo đậu, tránh trú ở khu vực an toàn.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN