Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

 

Trước những sự cố đối với các thủy điện nhỏ trong thời gian vừa qua, ông Phạm Tiến Văn (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

´Phải chăng chất lượng công trình thủy điện vừa và nhỏ có vấn đề là do phát triển quá ồ ạt, vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương hay còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?


Đó cũng là một yếu tố. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra chúng tôi còn nhận thấy có những nguyên nhân khác nữa. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện để xảy ra sự cố là các doanh nghiệp tư nhân, tự tổ chức quản lý đầu tư và thi công xây dựng công trình trong khi kinh nghiệm còn hạn chế; Năng lực của một số nhà thầu tham gia xây dựng công trình cũng như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình… không đảm bảo theo quy định của pháp luật; Công tác quản lý chất lượng trong các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng không tuân thủ chặt chẽ. Từ việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực đến việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và thực hiện quản lý, giám sát, thi công, nghiệm thu và đưa vào sử dụng không được quản lý chặt chẽ. Thêm vào đó, sự kiểm soát và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương với những công trình này vẫn còn chưa tốt.

 

´Để xảy ra các sự cố về thủy điện như vậy, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?


Trong lĩnh vực này đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng. Với những sự cố thuộc công trình thủy điện cấp 2 thì sẽ do UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải quyết và giám định nguyên nhân sự cố. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, theo quy định thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý an toàn hồ đập các công trình thủy điện trên phạm vi cả nước. Bộ Công Thương phân cấp cho Sở Công Thương quản lý an toàn các công trình thủy điện có công suất dưới 30MW. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.


Tuy nhiên, điều quan trọng là các chủ thể tham gia xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm của mình. Trong đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình. Điều quan trọng nhất là các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng tại địa phương mình.


Xin cảm ơn ông!

Loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện

 

Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện với tổng công suất 1.088,9 MW; đồng thời không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW). Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có nhà đầu tư quan tâm. Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai xây dựng ở giai đoạn đầu, các tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Bộ Công Thương xem xét loại khỏi quy hoạch đối với 67 dự án (157,9 MW) và 3 vị trí tiềm năng (13,5 MW) trên cơ sở đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường - xã hội, sự phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn... của từng dự án.

 

Mai Phương


Hà Vy

Đánh giá độ an toàn của các đập thủy điện
Đánh giá độ an toàn của các đập thủy điện

Phát triển thủy điện là cần thiết để vừa đảm bảo hiệu quả phát điện, vừa đảm bảo điều tiết nước cho hạ du, chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô... Tuy nhiên, một số sự cố công trình thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy, cần có sự rà soát đánh giá...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN