Phát triển thủy điện là cần thiết để vừa đảm bảo hiệu quả phát điện, vừa đảm bảo điều tiết nước cho hạ du, chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô... Tuy nhiên, một số sự cố công trình thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy, cần có sự rà soát đánh giá để chấn chỉnh hoạt động của hệ thống thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa đảm bảo an toàn cho đời sống người dân.
Tập trung đánh giá mức độ an toàn
Sau một số sự cố xảy ra với các công trình thuỷ điện nhỏ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng và đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện quy mô nhỏ trên địa bàn và có báo cáo cụ thể trước ngày 31/7/2013.
Thân đập thủy điện Ia Krêl (Gia Lai) bị vỡ ngày 12/6/2013. Ảnh: TTXVN phát |
Nhiều rủi ro từ chất lượng xây dựng
Hiện nay, cả nước có gần 7.000 hồ thủy lợi, thủy điện; trong đó có trên 6.000 hồ có quy mô nhỏ (dung tích hồ chứa nhỏ hơn 10 triệu m3 hoặc công suất nhà máy thủy điện nhỏ hơn 15 MW). Về cơ bản, các công trình thủy lợi, thủy điện được nghiệm thu đưa vào sử dụng đang vận hành an toàn, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số sự cố công trình thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ đã xảy ra như: vỡ đập tràn hồ chứa thủy lợi Z20 (Hà Tĩnh - dung tích hồ chứa 0,1 triệu m3) trong quá trình khai thác; tràn đập phá hỏng nhà máy công trình thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh - công suất nhà máy 13 MW); đổ tường chắn bê tông công trình thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị - công suất nhà máy 8 MW) trong quá trình tích nước; vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng - công suất nhà máy 9,6 MW) trong quá trình chạy thử; đổ tường chắn thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum - công suất nhà máy 7,5 MW) trong quá trình thi công. Gần đây là sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai - công suất nhà máy 5,5 MW) trong quá trình tích nước và vỡ bể áp lực công trình Thủy điện Ea Súp 3 (Đắk Lắk - công suất nhà máy 7,5 MW) trong quá trình phát điện chạy thử.
Qua kiểm tra, Bộ Xây dựng đã xác định nguyên nhân các sự cố cũng như một số tồn tại về quản lý chất lượng công trình. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện để xảy ra sự cố là do các doanh nghiệp tư nhân, tự tổ chức quản lý đầu tư và thi công xây dựng công trình trong khi kinh nghiệm còn hạn chế. Năng lực của một số nhà thầu tham gia xây dựng công trình như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình… không đảm bảo theo quy định của pháp luật; công tác quản lý chất lượng trong các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng không tuân thủ chặt chẽ theo quy định. Theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến về thiết kế cơ sở, do vậy thiếu kiểm tra, kiểm soát các giai đoạn tiếp theo như thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng, nghiệm thu công trình… Thực tế này cho thấy các công trình thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng xây dựng và có nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Không cho tích nước nếu không đảm bảo
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khi thực hiện cần chú ý kiểm tra năng lực của các nhà thầu, công tác quản lý chất lượng, thẩm tra thiết kế và công tác nghiệm thu công trình theo quy định tại Nghị định 15 và công tác quản lý an toàn đập theo quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ; cần có sự phối hợp quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành giữa liên Bộ Công Thương - Xây dựng cũng như chính quyền địa phương.
Bộ Xây dựng cho biết: Mới đây (ngày 25/6), Văn phòng Chính phủ ra văn bản 5132 yêu cầu rà soát, bổ sung các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng các hồ thủy điện, thủy lợi nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. UBND, sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, thanh tra về an toàn, tổ chức giám sát việc kiểm định an toàn đập; rà soát việc thực hiện quản lý vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi do địa phương quản lý. Nếu phát hiện có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, yêu cầu chủ đầu tư ngưng tích nước, phát điện cho đến khi đã đủ điều kiện về an toàn theo quy định. Cùng với việc tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, kiên quyết không cho tích nước, đưa vào vận hành các công trình nếu không đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du đập.
Thu Hằng - Kim Anh