Cảnh báo không ăn sinh vật biển nghi ngờ có độc tố

Ngày 31/12, ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận cho biết, vụ ngộ độc xảy ra tại thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, vào ngày 15/12/2014, làm 3 người nhập viện và 1 người tử vong đã được xác định là do ăn ốc bùn răng cưa. 


Ốc bùn răng cưa có chứa độc tố. Ảnh: TNO.


Theo Viện Hải Dương học Nha Trang, ốc bùn răng cưa có tên khoa học là Nassarius (Alectrion) papillosus (Linnaeus, 1758); tên tiếng Anh: Pimpled Nassa; độc tố của ốc này là tetrodotoxin. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố này không hề phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến, nên chúng tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu, kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Khi ăn phải các loài sinh vật chứa độc tố tetrodotoxin, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt cơ hô hấp... Nạn nhân có thể tử vong sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Viện Hải Dương học Nha Trang cảnh báo cộng đồng cần hết sức cẩn trọng, không ăn những loài sinh vật biển có tiền sử nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng chắc chắn an toàn thực phẩm. Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà có triệu chứng như đã mô tả ở trên thì lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Viện Hải Dương học Nha Trang hy vọng, những thông tin này sẽ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc, tử vong.

Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm để người dân không sử dụng các loại thực vật, động vật có chứa độc tố tự nhiên như ốc biển lạ, cá nóc, nấm độc để tránh bị ngộ độc; phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan chủ động giám sát và phát hiện sớm các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng xử lý nhanh, có hiệu quả khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.


Đức Ánh (TTXVN)
Sừng tê giác có thể mang độc tố
Sừng tê giác có thể mang độc tố

Tại Việt Nam, một trong những lý do khiến sừng tê giác trở thành “hàng nóng” là người dân quá tin vào những rỉ tai về công dụng sừng tê, bất chấp những cái hại có thể chuốc vào mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN