Tại Việt Nam, một trong những lý do khiến sừng tê giác trở thành “hàng nóng” là người dân quá tin vào những rỉ tai về công dụng sừng tê, bất chấp những cái hại có thể chuốc vào mình.
Trong chừng này “sừng tê giác” được công khai bày bán, có bao nhiêu chiếc là giả? Ảnh: TCHQ |
Hơn mười năm trước, người nhà của bà T. (Nam Định) có nhờ người đi theo các đoàn săn thú, mua được một mẩu bằng đốt tay sừng tê giác. “Mấy triệu đồng mới được chừng đó, trong khi 1 chỉ vàng chỉ vài trăm ngàn” - con gái bà T. cho biết. Sừng được mài ra để uống, quý như (thậm chí) hơn vàng.
“Tôi thấy mẹ cũng có béo lên được một thời gian, không biết có phải do sừng tê giác hay không”, con gái bà T nói. Bà T. chống chọi được với căn bệnh ung thu vài năm, giờ bà đã qua đời. “Nay thì dù có tin là sừng tê có công dụng thật, nhà tôi cũng không dám mua. Một phần vì quá đắt, phần khác vì thị trường nhan nhản sừng giả”.
Bỏ tiền mua... niềm tin
Cũng giống như trường hợp gia đình bà T, những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm cho một số người tin rằng đây là liều thuốc chữa bách bệnh hoặc giảm sốt. Rất nhiều người có người thân bị ung thư đã tìm mua sừng tê giác với hy vọng gặp “thuốc tiên”.
Bà Nguyễn Thanh Huyền (Trưởng phòng Tài nguyên dược liệu) - Viện Dược liệu cho biết: Trong dân gian, cũng đã có những thông tin về sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Trên ấn phẩm “Sức khỏe và đời sống” (báo của Bộ Y tế), lương y Huyên Thảo, cũng từng cho biết: Về tính năng, sừng tê giác là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết và chỉ huyết mạnh... Trên lâm sàng, sừng tê giác có thể sử dụng phối hợp với nhiều vị thuốc khác...
Có lẽ đây là những căn cứ để nhiều người đồn đoán về khả năng như “thần dược” của sừng tê. Đến nỗi, “có những bà mẹ, con ốm, thay vì đưa đi khám bác sĩ thì lại... mài sừng tê giác cho con uống” - TS Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận loài hoang dã của Human Society International (HSI), nói.
Trong giới nam nhi, có không ít lời rỉ tai về “công dụng đàn ông” của nước mài sừng tê giác. Một số khác thì cho rằng sừng tê giác có thể giúp giải rượu.
Vì tin rằng “thuốc” quý, và thực tế đúng là sừng tê giác đang là mặt hàng rất hiếm, rất đắt, nên sừng tê dần trở thành quà biếu, tặng cao cấp. Nhiều người trưng sừng tê, hoặc uống nước mài sừng tê như muốn “khoe” đẳng cấp của mình.
Chưa có nghiên cứu khoa học về công dụng
Dù cho biết trong dân gian, cũng đã có những thông tin về sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh nhưng bà Nguyễn Thanh Huyền (Trưởng phòng Tài nguyên dược liệu) - Viện Dược liệu khẳng định: Thực tế chưa hề có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về tác dụng của sừng tê một cách chính thống. Bản thân Viện Dược liệu là viện nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu ở Việt Nam cũng chưa có những nghiên cứu đánh giá về tác dụng của sừng tê giác.
Còn theo HSI, kết quả của nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ cao đã cho thấy: Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chỉ có chất keratin cùng các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người.
Còn lương y Huyên Thảo cũng cho biết: Theo kết quả nghiên cứu tiến hành tại hàng loạt cơ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh và một số thành phố khác của Trung Quốc, thành phần các chất hữu cơ và vô cơ trong sừng tê giác và sừng trâu cơ bản tương đồng.
Trong khi đó, một số sừng tê giác bị cắt trộm từ các viện bảo tàng, nhà trưng bày.. (đã qua ngâm tẩm chất bảo quản) có thể chứa trong nó những hoạt chất không tốt đối với sức khỏe con người, thậm chí là độc hại. “Vì vậy, khi người mẹ dùng sừng tê để chữa sốt cho con, vô tình đã đưa cho con chất độc”, TS Teresa Telecky phân tích.
Còn một nguy cơ nữa. Theo CITES Việt Nam, đa số sừng tê giác rao bán trên thị trường Việt Nam hiện nay là sừng giả. CITES dẫn số liệu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam, nơi chuyên giám định mẫu vật: 70% mẫu vật sừng tê giác ở Việt Nam là giả. Các sừng này thường được làm từ nhựa cứng, từ sừng các loài gia súc hoặc từ tóc người với phương pháp rất tinh vi, khó nhận biết nên người sử dụng ngày càng đứng trước nguy cơ tự đưa chất độc vào cơ thể.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo Chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức giảm cầu sử dụng sừng tê giác cũng cho biết: “Đã có người sau khi sử dụng sừng tê thì phải đi chạy thận”!
Bỏ ra những khoản tiền khổng lồ (tới 50.000USD/1lạng sừng tê) để mua vào mối nguy, xem ra giá của “niềm tin” dựa trên những đồn đoán chưa được kiểm chứng khoa học, quả là quá đắt.
Chính vì vậy, một nghiên cứu khoa học đầy đủ và chính xác về công dụng của sừng tê là điều nhiều người dân, giới khoa học và những nhà làm công tác môi trường đang đặc biệt mong chờ.
Nhưng cho dù sừng tê có công dụng ra sao, thì quyền sống của một loài trong hệ sinh thái của trái đất cũng là điều mà con người cần phải trân trọng, nói như GS Đặng Huy Hùng, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, bảo vệ tê giác cũng chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học và nền văn minh của con người.
Thùy Hương