Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung đã xuất hiện ở Hà Giang, do chính người dân nơi đây chủ động tìm tòi, học hỏi và bỏ tiền đầu tư sản xuất. Bà Nguyễn Thị Đức ở xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, chủ một cơ sở sản xuất gạch không nung cho biết, bà đầu tư vào cơ sở sản xuất này vì thấy tiềm năng của gạch không nung sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần vật liệu xây dựng ở tỉnh vùng cao Hà Giang. Trong tương lai, gạch không nung sẽ được người dân vùng cao tiếp nhận, khi nó thể hiện được ưu điểm về tính kinh tế cũng như độ bền vật liệu ở những công trình cụ thể tại địa phương.
Sản xuất gạch không nung không cần dùng đến than, củi hay điện để đốt lò, nung gạch; không tốn nhiều diện tích cho cơ sở sản xuất; chi phí công sức và thời gian ít hơn so với gạch nung. Đặc biệt, gạch không nung được sản xuất từ các vật liệu đơn giản (xi măng, cát, nước và chất phụ gia), tạo nên sản phẩm bê tông siêu nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, chống thấm, cách nhiệt, cách âm tốt… phù hợp với nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân, cũng như xây dựng các công trình công cộng.
Gạch không nung có đặc điểm nổi trội là nhẹ, chống thấm, cách âm, cách nhiệt tốt, nên áp dụng công nghệ sản xuất gạch xây sang làm ngói lợp cũng là điều “thuận cả đôi đường”, làm ngôi nhà của đồng bào vùng cao gần gũi và thân thiện với môi trường.
Nhưng trên thực tế, sản phẩm mới có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cao này hiện vẫn chưa được tiếp nhận rộng rãi trong cộng đồng, nhất là trong đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang.
Thiết nghĩ, để làm thay đổi một thói quen, một tập quán lâu đời trong cộng đồng, các doanh nghiệp phải làm cho người tiêu dùng thấy được ưu điểm vượt trội trong sử dụng gạch không nung; chính quyền địa phương vận động bà con vì lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, cần làm quen và sử dụng loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm kinh phí. Trước hết, cần sử dụng vật liệu xây dựng mới vào các công trình tại địa phương do vốn Nhà nước cấp để người dân thấy và làm theo.
Công Hải