Anh tăng cường ngoại giao thương mại trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách thuế quan khó đoán, Anh đang đẩy mạnh chiến lược ngoại giao thương mại nhằm đa dạng hóa đối tác và giảm thiểu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc họp báo tại London. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 11/4, chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đang nỗ lực nối lại quan hệ với các đối tác truyền thống như Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy đàm phán với nhiều nền kinh tế quan trọng khác.

Phát biểu trước các nhà sản xuất ô tô tại West Midlands sau khi Mỹ áp thuế 25% với ngành công nghiệp này, Thủ tướng Starmer cam kết tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận thương mại mở và bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình đàm phán với Washington. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gỡ bỏ rào cản thương mại toàn cầu và tăng cường hợp tác với các đối tác chủ chốt.

Trong khi đàm phán tự do thương mại với Ấn Độ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang được đẩy mạnh, Anh cũng đang khởi động lại các thỏa thuận song phương với Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ với EU cũng đang trên đà "thiết lập lại" trước hội nghị thượng đỉnh Anh - EU dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Tại đây, một hiệp ước an ninh mới và thỏa thuận về kiểm dịch động thực vật nhằm giảm kiểm soát biên giới đang được đưa vào chương trình nghị sự.

Về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trong chuyến thăm London đã khẳng định thiện chí từ cả hai phía nhằm hoàn tất thỏa thuận trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, một số vấn đề phức tạp vẫn đang được thảo luận, bao gồm thị thực lao động, thuế biên giới đối với thép và quyền sở hữu trí tuệ. Phía New Delhi kỳ vọng đạt được hạn ngạch lao động lớn hơn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế, điều mà London vẫn thận trọng do áp lực chính trị nội bộ.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Anh và khối GCC đang chứng kiến những tiến triển đáng kể sau thời gian bị trì hoãn. Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Starmer và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman mới đây cho thấy cam kết chính trị cao đối với việc hoàn tất hiệp định. Dù vậy, thách thức từ nội bộ liên quan đến vấn đề môi trường và nhân quyền tại các nước vùng Vịnh vẫn là một trở ngại đáng kể.

Đáng chú ý, Anh cũng đang xem xét khôi phục đàm phán thương mại với Canada - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế mới của Mỹ. Đại sứ Canada tại Anh Ralph Goodale kêu gọi nối lại bàn đàm phán sau khi các cuộc thương lượng trước đây đổ vỡ do tranh cãi về thịt bò và quy chuẩn thực phẩm.

Mặc dù mở rộng các kênh thương mại, Anh vẫn tiếp tục đàm phán với Mỹ trong bối cảnh thuế suất mới 25% nhắm vào thép và ô tô gây thiệt hại lớn cho các ngành chủ chốt. Một nguồn tin chính phủ cho biết London đang ưu tiên tìm giải pháp cho các mặt hàng chịu thuế cao. Tuy nhiên, với chính sách thương mại khó lường từ Nhà Trắng, Anh được cho là đang áp dụng chiến lược "đa phương linh hoạt" để giảm phụ thuộc vào một đối tác duy nhất.

Tối ngày 10/4, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn triển khai gói thuế mới trong 90 ngày - ngoại trừ với Trung Quốc - khiến giới đàm phán toàn cầu hoang mang về bước đi tiếp theo của Washington. Trong bối cảnh đó, chiến lược mở rộng và đa dạng hóa đối tác thương mại được xem là hướng đi an toàn và cần thiết đối với Anh.

Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống D.Trump đưa ra tuyên bố về thời gian hoãn áp thuế
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống D.Trump đưa ra tuyên bố về thời gian hoãn áp thuế

Hãng tin Kyodo ngày 10/4 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại, ngay cả khi các nước này chưa đạt được thỏa thuận với Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN