Sáng 11/4, Tổ đại biểu Quốc hội số 9 TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức, trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch HĐND xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) đã thông tin về vấn đề sáp nhập một số tỉnh, thành và cấp xã trong thời gian tới. Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri huyện Phú Xuyên đề nghị cơ quan chức năng quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức cấp xã hiện nay.
“Nhiều cán bộ công chức cấp xã trưởng thành từ cơ sở, gần dân, nên rất hiểu dân. Thời gian tới, khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáp nhập một số tỉnh, thành và xã, đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa đến chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐND xã Quang Hà đề nghị mở rộng đối tượng hưởng hưu trí trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Quang Phong
Còn ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐND xã Quang Hà (huyện Phú Xuyên) cho biết, cuối năm 2024, xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Sơn Hà và Quang Trung. Thời điểm đó, đã có 7 cán bộ xã xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ công tác, để đảm bảo cho quá trình kiện toàn bộ máy ở địa phương.
Ông Phạm Ngọc Thắng cho biết, đến nay, còn 3 người chưa nhận được quyết định hay thông báo cho nghỉ để hưởng theo chế độ, chính sách. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quyết định, chính sách cho các cán bộ đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ, hoặc xem xét cấp, tạm ứng kinh phí hỗ trợ khi chờ quyết định chính thức.
Chủ tịch HĐND xã Quang Hà cho rằng, khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, để đảm bảo tinh gọn bộ máy, lực lượng cán bộ, công chức sẽ dôi dư rất nhiều. Do vậy, đề nghị Trung ương xem xét, bổ sung mở rộng đối tượng hưởng hưu trí với cán bộ đóng bảo hiểm xã hội hơn 20 năm, nghỉ hưu trước tuổi từ 10 đến 15 năm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến cử tri để báo cáo UBND TP Hà Nội và phối hợp với Sở Tài chính giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác.
Tiếp thu ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong năm 2024, TP Hà Nội đã tiến hành đợp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất cả nước.
“Thực hiện yêu cầu của Trung ương, thời gian tới, chúng ta sẽ tổ chức lại đơn vị hành chính ở quy mô toàn quốc. Trong đó, sẽ sáp nhập một số tỉnh, đồng thời tăng quy mô đơn vị hành chính cấp xã để hướng tới chính quyền 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở”, bà Nguyễn Phương Thủy nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy trả lời ý kiến cử tri.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội, mục đích của việc sắp xếp lần này không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà còn là sự thay đổi cơ bản về chất. Cụ thể, là phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đồng thời bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ lại nguồn lực và tạo không gian phát triển.
“Do đó, cấp xã sẽ có sự thay đổi cơ bản so với hiện nay. Trong đó, diện tích, dân số cấp xã sẽ tăng lên. Phần lớn thủ tục hành chính của nhân dân được giải quyết ở cấp xã nên bộ máy cấp xã sẽ được tăng cường lên rất nhiều. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã sẽ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng”, bà Nguyễn Phương Thủy nói.
Bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, dự kiến UBND xã có thể được tổ chức 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng; Phòng Kinh tế; Phòng Nội vụ - Tư pháp; Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.
“Điều đó cho thấy công việc của cấp xã thời gian tới khác rất nhiều so với hiện nay để hướng tới chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chúng ta chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cần tốt nhất của nhân dân”, bà Nguyễn Phương Thủy chia sẻ thêm.