Cân nhắc cấp phép thủy điện nhỏ

Bộ Công Thương vừa tiến hành rà soát và đề xuất với Chính phủ về việc loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang và 418 DATĐ nhỏ trong tổng số 1.239 DATĐ đã được phê duyệt. Việc loại bỏ các DATĐ không đạt hiệu quả là điều cần thiết nhưng qua đó cũng nhận ra nhiều bất cập liên quan đến quy hoạch thủy điện.


Chất lượng quy hoạch rất hạn chế


Tiềm năng thủy điện của nước ta khá lớn, về lý thuyết có tổng công suất khoảng 35.000 MW, sản lượng điện khoảng 300 tỉ kWh/năm nhưng nếu tính toán mức độ khả thi, chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW (khoảng 100 tỉ kWh/năm). Không thể phủ nhận, thủy điện là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành lại rẻ hơn các nguồn năng lượng khác nên cần được đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

Công nhân Công ty thủy điện Kanak-An Khê vận hành xả nước qua đập Kanak. Ngọc Hà - TTXVN


Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, loại trừ các DATĐ lớn, do Nhà nước đầu tư thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường được xây dựng và vận hành theo những quy chuẩn an toàn, các DATĐ nhỏ và vừa (dưới 30 MW) do các địa phương cấp phép đầu tư lại bộc lộ nhiều bất cập.


Về lý thuyết, các DATĐ được đưa vào quy hoạch không chỉ đáp ứng được yêu cầu là tạo ra nguồn điện phục vụ cho dân cư tại chỗ, cung cấp thêm điện năng cho quốc gia mà còn phải góp phần điều tiết bổ sung lưu lượng nước về mùa khô và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, không gây tác hại đến môi trường... Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên, do chủ yếu khai thác chênh cao địa hình tự nhiên, nhiều DATĐ không xây dựng được đập cao, không bố trí được hồ chứa lớn... nên hầu hết các DATĐ chỉ có nhiệm vụ phát điện, rất ít DATĐ có thể kết hợp cấp nước tưới, điều tiết lũ... Nhiều sự cố liên quan đến thủy điện nhỏ cũng đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.


Việc đưa một dự án thủy điện vào quy hoạch là không hề dễ dàng vì phải vượt qua các vòng thẩm định về hiệu quả đầu tư, đánh giá tác động về môi trường và kinh tế xã hội… Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, do buông lỏng về quy hoạch và quản lý nên gần 30% số đập ở DATĐ nhỏ chưa được kiểm định, chỉ có khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới an toàn đập; khoảng 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống bão lũ...


Tính kỹ tác động


Sau khi loại bỏ 418 DATĐ, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ. Việc rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch các DATĐ có hiệu quả thấp, có tác động lớn đến môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là với việc có tới hơn 418 DATĐ bị đưa ra khỏi quy hoạch nhỏ (chiếm tới 37% tổng số DATĐ trong quy hoạch), thì trách nhiệm thuộc về ai.


Bộ Công Thương cho biết, các DATĐ bị loại bỏ phần lớn là những DATĐ nhỏ thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương từ khâu lựa chọn đầu tư, quyết định đầu tư... Do đó, vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các DATĐ là cực kỳ quan trọng từ khâu quy hoạch đến giải quyết những vấn đề phát sinh hậu thủy điện như: đền bù tái định cư, định canh, trồng rừng thay thế...


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngay cả quá trình kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng bị buông lỏng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều DATĐ mặc dù đã được phê duyệt nhưng vẫn bị loại bỏ. Nhiều DATĐ khi đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng, hiệu quả kinh tế, tính an toàn… Nhiều địa phương đã xảy ra những sự cố về thủy điện, ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân. Có những nhà máy thủy điện mặc dù chưa được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác mặt nước... nhưng vẫn hoạt động nhiều năm qua. Từ những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần tăng cường vai trò giám sát việc quy hoạch và phê duyệt các DATĐ trong thẩm quyền của cấp tỉnh, nhất là khi năng lực quản lý thủy điện của cấp tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.


Hiện nay, số lượng các DATĐ nhỏ (dưới 30 MW) là khá lớn (1.109 dự án), chiếm 90% số dự án trong quy hoạch song theo đánh giá của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội thì “không đóng góp nhiều về công suất phát điện”. Các dự án nhỏ chỉ chiếm 26% tổng công suất phát điện và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ. Trong khi đó, hiện nay, hơn 90% tiềm năng thủy điện ở nước ta đã được khai thác hết. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương nên xem xét việc dừng cấp phép cho các DATĐ nhỏ.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN