Cần cơ chế đặc thù

Ngoài sự đóng góp rất lớn từ hệ thống ngân hàng, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cần tạo các cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, chứ không thể “phó mặc” cho Nhà nước.

 

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết: “Hệ thống ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn cho bất kỳ dự án nào, nếu có hiệu quả”. Đại diện các ngân hàng thương mại đều có chung quan điểm: Các ngân hàng hiện đã cung ứng vốn cho nhiều công trình giao thông trọng điểm, với tổng vốn hàng trăm triệu USD, nhưng kết quả thực hiện nhiều công trình rất hạn chế. Do đó, các nhà đầu tư đều mong muốn các dự án thực hiện tại địa phương phải minh bạch, công khai về thời gian, sử dụng nguồn vốn đối với từng dự án, tránh tình trạng một số dự án đã được phê duyệt, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa được khởi động.


Theo chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ hàng năm đạt 3,5 - 4,5% GDP, trong đó ưu tiên cho những công trình trọng điểm; đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế.

Rõ ràng, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các tỉnh Tây Bắc cần phải có những chính sách đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên đối với dự án giao thông trong vùng. Với các dự án có yêu cầu triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, các địa phương cần chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn.


Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế đặc thù đầu tư vốn phát triển giao thông Tây Nguyên trong bối cảnh nhiều tuyến đường ở đây đang bị xuống cấp nghiêm trọng. “Nút thắt” hiện nay khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi đầu tư vào Tây Nguyên chính là môi trường đầu tư chưa được cải thiện. Do đó, theo ý kiến của các chuyên gia, Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án.


Việc khơi thông các kênh vốn đầu tư cho các dự án kết nối mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường không tại các tỉnh Tây Nam bộ hiện nay là vấn đề cấp bách. Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài nguồn lực đầu tư của Chính phủ, các tỉnh Tây Nam bộ hiện nay cần có các cơ chế hợp tác, liên kết thực hiện các dự án giao thông liên vùng vì lợi ích chung của toàn khu vực, không nên để dự án chậm tiến độ, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.

 

Nguyễn Tiến

Làm đường cho ba vùng chiến lược
Làm đường cho ba vùng chiến lược

Hoàn thiện hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách vùng miền đối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ hiện nay là chiến lược then chốt, xuyên suốt các quyết sách phát triển đất nước của Đảng, Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN