Làm đường cho ba vùng chiến lược

Hoàn thiện hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách vùng miền đối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ hiện nay là chiến lược then chốt, xuyên suốt các quyết sách phát triển đất nước của Đảng, Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành địa phương phải huy động mọi nguồn lực để tăng tốc “gỡ nút thắt” về hạ tầng.

 

“Điểm nghẽn” giao thông


Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của cả nước ngày càng lớn và đa dạng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các tỉnh khó khăn của Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ hiện thiếu đồng bộ, kết nối hạn chế và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nhiều công trình xây dựng chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao; công tác quản lý, khai thác, sử dụng, dịch vụ đạt hiệu quả thấp.


 

Thi công đường vào xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

 

Tại các tỉnh Tây Bắc, đến nay, Bộ GTVT đã và đang hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhiều tuyến quốc lộ (QL) như: QL70, QL6, QL279, QL79 đi từ Hà Nội lên Tây Bắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, cộng với những khó khăn lớn về điều kiện khí hậu, thời tiết, nên với nhiều dự án, quá trình từ thiết kế đến thi công thường bị đứt đoạn, không thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Thêm vào đó, nhiều dự án đã hoàn thành lại không được quản lý chặt chẽ, không được bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng. Thực tế này đang cản trở việc khai thác và kết nối mạng lưới giao thông nhiều tuyến QL huyết mạch của Tây Bắc.


So với các vùng miền khác, mạng lưới giao thông Tây Nguyên hiện nay yếu kém nhất. Tây Nguyên chưa có hệ thống giao thông đường sắt và đường thủy; hệ thống giao thông đường bộ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng. Cụ thể, tại đây mới chỉ có các tuyến giao thông trục dọc được quan tâm đầu tư xây dựng, còn các tuyến giao thông trục ngang vẫn quá sơ khai, nhiều nơi chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Trong khi đó, do những bất cập, hạn chế trong quản lý đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông, nên nhiều tuyến đường QL, tỉnh lộ, liên xã trong khu vực đã xuống cấp trầm trọng, nhất là hai tuyến QL xương sống của Tây Nguyên là QL14 và QL19. Đi kèm với đó là tình trạng di dân tự do, sang nhượng đất trái phép chưa được xử lý... khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.


Từ nhiều năm nay, hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của các tỉnh Tây Nam bộ. Song, do chưa được quan tâm đúng mức, nên còn tình trạng “đường chờ cầu, cảng chờ luồng”. Mặc dù nhiều công trình trọng điểm như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ TP.HCM - Năm Căn, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh, QL61, QL91B, cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc... đã vận hành hiệu quả, nhưng mạng giao thông liên vùng hiện nay vẫn là điểm yếu của Tây Nam bộ. Điển hình là cảng Cái Cui, cảng biển lớn nhất Tây Nam bộ, với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có thể tiếp nhận tàu 200.000 tấn; nhưng hiện mới được khai thác khoảng 10 - 20% công suất.

 

Khẩn trương vào cuộc


Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc” do Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tại Tuyên Quang mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trước hết cần phải xây dựng được hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối giữa các địa phương trong vùng với cả nước. Hiện thực hóa điều này cần xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để vùng phát triển bền vững. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần huy động mọi nguồn lực, hoàn thành sớm các công trình giao thông trọng điểm.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Cuối năm nay sẽ hoàn thành các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hòa Bình, Hà Nội - Thái Nguyên. Đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ triển khai đường sắt qua Đông Anh (Hà Nội) và đầu tư nâng cấp cảng thủy Việt Trì (Phú Thọ), nâng cấp sân bay Điện Biên và khôi phục sân bay Nà Sản (Điện Biên)... Các công trình này đưa vào vận hành sẽ góp phần thay đổi tích cực diện mạo vùng Tây Bắc.


Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư đang tập trung đầu tư mở mới, nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ, nhất là những tuyến đường trục ngang, bảo đảm cho nhu cầu phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng tại Tây Nguyên. Trong đó, chú trọng chương trình xóa cầu tạm ở Đắk Lắk, Đắk Nông; xóa những điểm dân cư phải đu dây qua sông ở Kon Tum; xóa những con đường hễ mưa là ngập, gây ùn tắc ở Lâm Đồng và hạn chế những công trình cầu đường chưa xây xong đã xuống cấp. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ gấp rút đẩy nhanh tiến độ hai tuyến đường trục xương sống QL14, QL19 để kết nối với các tuyến đường Trường Sơn Đông, QL20, QL26 và đường sắt, đường vào sân bay từ nay đến năm 2015. Qua đó, tạo ra một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đường bộ, đường không, đường sắt, để có thể khai thác tối đa lợi thế của Tây Nguyên.
Từ nay đến năm 2015, Chính phủ cũng sẽ đầu tư một số dự án lớn tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng Tây Nam bộ. Cụ thể, khu vực này sẽ xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Cao Lãnh, tuyến nối từ hai cầu Vàm Cống, Cao Lãnh đến tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... Bộ GTVT cũng đang khởi động các dự án lớn của vùng như: Dự án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến đường TP Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi (Cà Mau)... nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, kiện toàn mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh với cảng biển trong khu vực.

 

Nguyễn Tiến

Cần cơ chế đặc thù

Ngoài sự đóng góp rất lớn từ hệ thống ngân hàng, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cần tạo các cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, chứ không thể “phó mặc” cho Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN