Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định 56, đã có 1.180 cán bộ, công chức được tăng cường về 58 huyện, 530 xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 17 tỉnh, trong đó, số cán bộ tăng cường về cấp huyện là 128 người, cấp xã là 1.052 người. Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, đội ngũ cán bộ, công chức được tăng cường về cơ sở có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công tác, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 95%, không có cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm kỷ luật…
Ở các huyện, xã có cán bộ, công chức tăng cường đã có sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo ở cơ sở. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên; bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả hơn…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác lựa chọn cán bộ, công chức đi tăng cường ở một số tỉnh còn chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, năng lực lãnh đạo hạn chế, dẫn đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa cao. Một số cán bộ, công chức chưa tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện được nhiều mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao…
Để khắc phục những tồn tại trên, theo các đại biểu, thời gian tới, các tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức tăng cường, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại cơ sở. Cán bộ, công chức đi tăng cường phải được lựa chọn kỹ, có kỹ năng công tác, có tinh thần trách nhiệm cao. Các tỉnh cũng cần có chính sách động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi tăng cường yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ…