Giàn khoan dầu khí đầu tiên do Công ty dầu khí nhà nước PDVSA xây dựng ở Orinoco, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu thô đã “lao dốc” hơn 70% trong 18 tháng qua, trong bối cảnh OPEC, mà chủ yếu là “ông lớn” Saudi Arabia, kiên quyết từ chối cắt giảm sản lượng nhằm đánh bật các đối thủ khác ra khỏi “cuộc đua” giành thị phần dầu mỏ bất chấp nguồn cung dôi dư.
Hiện giá dầu chỉ còn giao dịch ở mức 30 USD/thùng, thay vì khoảng 50 USD/thùng năm 2015 và khoảng 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014.
Khủng hoảng giá dầu đã gây thiệt hại nặng nề tới các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu “vàng đen” như Nigeria và Venezuela. Ngay cả Saudi Arabia cũng đang phải huy động mọi nguồn lực nhằm chống đỡ với việc nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh.
Trong một thông tin khác, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri cho biết Algeria đang đàm phán với các nước trong và ngoài OPEC nhằm tìm ra một thỏa thuận giúp ổn định thị trường dầu mỏ và vực dậy giá dầu.
Theo ông Khebri, các cuộc tiếp xúc đang diễn ra nhằm mục tiêu ổn định thị trường dư cung, trong lúc nhu cầu thấp và tốc độ hồi phục kinh tế thế giới còn “mong manh”. Những cuộc đàm phán này nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa các nước sản xuất nhằm giảm sản lượng.
Ông Khebri nói các cuộc đàm phán này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ với các nước thuộc OPEC, mà còn được thực hiện với các nước sản xuất dầu lớn khác ngoài OPEC như Nga.
Ông Khebri cho rằng OPEC đang bị mất thị phần, giảm từ 44% trong những năm 1990 xuống còn 31% hiện nay và điều quan trọng là cần phải thuyết phục các nước ngoài OPEC tham gia vào tiến trình giảm sản lượng.