Nghệ An “dập dịch” tại ổ dịchĐến ngày 7/10, tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn còn 4 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đang được các y bác sỹ Trạm y tế xã tích cực điều trị. Theo nhận định chung, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Hưng Long vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An kiểm tra và diệt bọ gậy ở huyện Quỳnh Lưu. |
Xã Hưng Long là 1 trong những ổ bệnh sốt xuất huyết lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ đầu tháng 8 đến nay, với 36 người mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở độ tuổi dưới 15 trở xuống. Bên cạnh đó, xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) cũng đã có 10 người mắc bệnh. Hai ổ bệnh còn lại là xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Lưu) với 14 trường hợp mắc bệnh và xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) có gần 20 trường hợp mắc bệnh.
Theo bác sỹ Hồ Văn Hưng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hưng Long, các ca mắc bệnh đều chủ yếu tập trung ở xóm 9A, một số rải rác ở xóm 7B và xóm 8 xã Hưng Long. Đến thời điểm hiện tại, do phát hiện và điều trị kịp thời nên không có trường hợp nào nặng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhất là trong điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho muỗi và bọ gậy sinh sôi, phát triển.
Trước tình hình đó, chính quyền xã đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, không để bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan trên diện rộng sang các địa phương khác. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập đoàn trực tiếp xuống kiểm tra, ghi nhận tình hình bệnh; kịp thời cấp 70 lít hóa chất phun diệt muỗi trưởng thành và hơn 300 gói thuốc để khử các nguồn nước ở các ao tù, nước đọng, kênh mương trên địa bàn xã Hưng Long. Đến nay, các xóm có bệnh nhân mắc dịch sốt xuất huyết, các trường học trên địa bàn xã Hưng Long đều đã hoàn tất việc phun, rải thuốc phòng dịch.
Ngành y tế tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo xã Hưng Long tập trung điều trị, giám sát nghiêm ngặt các bệnh nhân mắc bệnh; kịp thời chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên điều trị, không để xảy ra bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết. Chính quyền xã Hưng Long tổ chức cho người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường ở ngay tại các thôn xóm; phát quang bụi rậm, thả cá vào các bể nước để diệt loăng quăng, xử lý bọ gậy tại từng hộ gia đình với khẩu hiệu "Toàn dân tích cực phòng chống dịch sốt xuất huyết" hay "Không có bọ gậy, loăng quăng, không có sốt xuất huyết".
Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân vẫn chủ quanTheo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sốt xuất huyết vẫn gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 1.631 ca sốt xuất huyết (cùng kỳ 2014 là 1.358 ca). Số ca điều trị nội trú cũng tăng cao với 1.077 ca, chiếm 66%. Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ tuần 25 đến tuần 38 của năm số ca mắc có chiều hướng tăng nhanh so với cùng kỳ 2014, trong đó 5 huyện, thành phố tăng là thành phố Vũng Tàu, huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Đến thời điểm này, ngành y tế phát hiện 200 ổ dịch, đã xử lý 194 ổ. Qua công tác giám sát xử lý ổ dịch, sau 14 ngày không có ca bệnh mới.
Cán bộ Trạm y tế phường Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) kiểm tra các vật dụng bị ứ đọng nước. |
Ngành y tế tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Đó là chưa có giải pháp xử lý triệt để lăng quăng, những vùng đất bỏ hoang chưa xử lý được lăng quăng nên còn xuất hiện nhiều ổ dịch... Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác diệt lăng quăng.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thống kê, số ca sốt xuất huyết mỗi năm đều tăng cao, mặc dù công tác tuyên truyền được ngành y tế làm rất quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao. Nếu như năm 2012, toàn tỉnh ghi nhận 3.344 ca mắc thì năm 2013 số người mắc là 4.494 và năm 2014 số ca mắc tương đương năm 2013. Trong hơn 9 tháng qua số ca sốt xuất huyết tăng vọt lên tới gần 1.631 ca. Điều này cho thấy cộng đồng chưa thực sự vào cuộc để liên tục thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Nhiều người vẫn chủ quan với sốt xuất huyết và thờ ơ với các hoạt động phòng, chống bệnh này, ngay cả biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường cũng chưa thực hiện triệt để. Trước thực trạng này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, tập trung tại những khu vực nguy cơ cao cũng như tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân phải có ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết.