Các nhà lãnh đạo và người dân trên toàn thế giới bày tỏ sự thương tiếc đối với 26 nạn nhân trong vụ xả súng vào trường học ngày 14/12 tại Mỹ, trong số đó có tới 20 trẻ nhỏ thiệt mạng.
Người dân Mỹ đang chịu nỗi đau quá lớn. |
|
Hung thủ Adam Lanza đã bắn chết mẹ ruột tại nhà rồi lái xe và mang theo hai khẩu súng tới ngôi trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut mà bà mẹ từng làm việc. Tại đây, ‘kẻ cuồng sát’ Adam đã bắn chết tại chỗ 18 em học sinh tuổi từ 5-10 cùng với sáu thầy cô giáo. Hai em học sinh khác đã qua đời tại bênh viện vì vết thương quá nặng.
Trong bài diễn văn chia buồn với gia đình các nạn nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rơi lệ khi nhắc đến thảm kịch này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đau buồn trước vụ việc. |
Trên toàn thế giới, chính phủ cũng như người dân các nước cũng bày tỏ một làn sóng đau buồn khi biết tin. Hàng loạt trang nhất các tờ báo ở châu Âu, cũng như báo điện tử tại châu Á, châu Úc đăng tải về mất mát to lớn này.
Trang nhất tờ Lastampa của Ý đưa tin về sự việc. |
Nỗi đau Mỹ trên mặt báo Đức.
|
Báo chí Tây Ban Nha chia sẻ sự thương tiếc. |
Thủ tướng Úc, bà Julia Gillard đã mô tả tội ác của tên Adam Lanza như một hành động vô cùng điên rồ và không thể hiểu được.
Thủ tướng Úc bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với mất mát của người Mỹ. |
Năm 1996, nước Úc phải trải qua nỗi đau giống Mỹ hiện nay khi một người đàn ông xả súng điên cuồng, khiến 35 người thiệt mạng tại bang Tasmania. Từ đó, quốc gia này đã ban hành những qui định về sở hữu súng rất nghiêm ngặt.
Tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth II cùng Thủ tướng David Cameron đã bày tỏ sự tiếc thương đối với các nạn nhân và người thân.
Thủ tướng Anh phát biểu: “Đất nước Anh xin được chia buồn cùng với gia đình các nạn nhân. Các em học sinh còn nhỏ với tương lai rộng mở ở phía trước. Sự mất mát này quá đau lòng”.
Đức giáo hoàng Benedict XVI cũng đã gửi lời hỏi thăm, chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân vụ nổ súng.
Ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban điều hành Liên minh châu Âu cho biết: “Thay mặt Ủy ban, tôi muốn bày tỏ sự chia buồn chân thành nhất tới các nạn nhân và người thân của họ”.
Tại Nhật, Thủ tướng Yoshihiko Noda đại diện cho nhân dân Nhật Bản chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân và người dân Mỹ.
Thay mặt người dân Phillipines, Tổng thống Benigno Aquino III đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, đồng thời đánh giá cao sự thương cảm của người dân Mỹ đối với các nạn nhân .
Ở Trung Quốc, ông Zhang Xin, nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng đã chia sẻ tâm sự trên trang mạng Sina Weibo: “Các vị phụ huynh tại Mỹ đang rất căng thẳng bởi tình trạng xả súng vào trường học là thường xuyên xảy ra. Vậy mà chính phủ chưa đưa ra những điều luật chặt chẽ về sử dụng, mua bán súng. Xung quanh ta luôn có những người có vấn đề tâm thần và họ không nên được cấp súng.”
Chính phủ cần sớm đưa ra những chính sách chặt chẽ về quyền sử dụng, mua bán súng, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. |
Tại Trung Quốc những năm gần đây cũng xảy ra vài vụ tấn công nhằm vào trường học, nhưng hung thủ thường chỉ sử dụng dao bởi nước này quản lí việc sử dụng súng rất nghiêm.
Một nữ cảnh sát đã nghỉ hưu người Ấn Độ đã chia sẻ: “Việc súng rơi vào tay những kẻ có vấn đề thần kinh thực sự là mối đe dọa an ninh. Chính phủ nước Mỹ cần đưa ra những biện pháp quản lí chặt chẽ hơn nữa”.
Tờ nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đã bình luận thảm kịch này là khó tránh khỏi nếu các nhà lập pháp tại Mỹ không nhanh chóng ban hành các điều luật nghiêm khắc hơn.
Một nhà báo người Thái Lan viết trên trang mạng xã hội Twitter rằng chính nền văn hóa phim ảnh còn bạo lực của Mỹ là một nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng trên.
Anh Hassan Sabah, một người kinh doanh tại Bagdad (Iraq) bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy thương tiếc cho các nạn nhân và gia đình của họ. Vụ việc này chỉ ra rằng bất cứ quốc gia nào cũng có vấn đề về tình trạng bạo lực, ngay cả các nước phương Tây cũng như các nước không theo đạo Hồi”.
Sau thảm kịch, vấn đề an toàn tại trường học đang là mối quan tâm lớn
Hoàng Trang (Theo Dailymail)