Bỏ tiền triệu mua phải tầm gửi 'rởm'

Tầm gửi vốn là loài cây sống nhờ trên thân của cây khác. Có nhiều loại tầm gửi khác nhau. Theo người dân, mỗi loài tầm gửi có tác dụng chữa mỗi thứ bệnh khác nhau; trong đó, tầm gửi cây gạo là loại quý nhất, có thể làm mát gan, chống viêm gan và một số bệnh về thấp khớp.

Đó cũng là lý do tại sao tầm gửi cây gạo lại được nhiều người tìm đến mua với giá cao ngất ngưởng. Tuy nhiên thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Cao Bằng lại xuất hiện nhiều trường hợp bỏ ra tiền triệu nhưng lại mua phải tầm gửi giả.

Theo kinh nghiệm chữa bệnh dân gian thì tầm gửi cây gạo là một loại thuốc quý. Ảnh: danviet.vn


Anh Đỗ Ngọc Hân, cán bộ của một công ty tư vấn thiết kế ở Hà Nội trong một chuyến công tác ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có mua được 5 cành tầm gửi tươi của một người đi rừng với giá 3 triệu đồng. Khi anh đem ra thành phố Cao Bằng khoe với bạn bè, ai cũng khen anh mua được của “xịn” vì cành nào cành nấy đều dính nguyên vỏ cây gạo. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, anh đã điện lên Cao Bằng kêu ca là mua phải của đểu. Theo anh mô tả, các cành dính vào vỏ cây gạo đã được phù phép bằng keo 502, giống như công nghệ dính quả sung cảnh thành chùm mà các những người đi bán cây cảnh rong vẫn thường làm.

Không chỉ có trường hợp của anh Hân mà ngay anh Nông Văn Thắng- người gốc Cao Bằng và có thâm niên săn các loại tầm gửi như: tầm gửi nghiến, tầm gửi gạo, tầm gửi cây chanh…, nhưng không ít lần bị mắc lừa như vậy. Theo anh Thắng, tầm gửi gạo có đặc điểm cơ bản là: cây gỗ, có bụi hoặc cây bụi nhỏ, nửa ký sinh ở các phần trên mặt đất của cây chủ, cành có thể chia đốt, không có lông đến lông tơ; lá đơn, mọc đối hoặc chụm ba, phiến lá hình mác đến oval, gân lá hình lông chim hoặc song song . Tuy nhiên, những đặc điểm ấy chỉ với những người trong nghề mới phân biệt được. Hiện nay, vì giá 1kg tầm gửi gạo phơi hoặc sấy khô rất cao (khoảng 1,2- 1,5 triệu đồng 1kg) nên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, nhiều người trộn kèm nhiều loại tầm gửi khác vào tầm gửi gạo để bán kiếm lời.

Chính vì vậy, theo anh Thắng khuyến cáo chỉ nên mua sản phẩm này ở những địa chỉ có uy tín, không nên mua bừa ở những người đi bán rong. Còn để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng rởm, thì chỉ có cách là đến tận cây và mua về tự chế biến.

Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng, hiện nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và tính năng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo. Loại cây này chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm của dân gian. Do đó, người dân, đặc biệt là những người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng loài cây này. Nếu có sử dụng thì cần được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh, cách tốt nhất là đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để các bác sỹ có chuyên môn kiểm tra điều trị.

Trong thiên nhiên có nhiều loại cây có tác dụng quý hiếm mà chúng ta chưa thể biết hết. Tầm gửi cây gạo cũng có thể là một trong số đó. Nếu quả thực đây là loài cây có tác dụng chữa bệnh tốt thì điều đó vừa có ý nghĩa cho y học nước nhà vừa đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tiền thật nhưng mua phải của giả, mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức về loại cây này, đồng thời cần sự tư vấn của những người có kinh nghiệm.


Mạnh Hà

Cảnh giác với nhãn lồng Hưng Yên rởm
Cảnh giác với nhãn lồng Hưng Yên rởm

Vụ nhãn năm nay, Hưng Yên - địa phương bao đời nay nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng - mất mùa nhãn (trà sớm). Thời điểm hiện tại, nhãn chính vụ còn ở giai đoạn quả xanh, phải đến giữa tháng 8 mới cho thu hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN