Bình yên đỉnh cao biên giới Cao Ba Lanh

Đỉnh núi Cao Ba Lanh có độ cao 1.050 m so với mực nước biển, thuộc thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), nằm cách trung tâm huyện Bình Liêu hơn 30 km về phía đông bắc, nằm sát biên giới Việt - Trung.

Dãy núi Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).


Để lên đỉnh núi Cao Ba Lanh chỉ có duy nhất con đường mòn đất đá lởm chởm với nhiều đoạn dốc đứng và cả chục khúc cua "tay áo" nguy hiểm. Đưa chúng tôi lên đỉnh núi Cao Ba Lanh, lái xe Bế Văn Thành (dân tộc Tày) kể: Trước đây, con đường này chỉ là lối mòn nhỏ cho người đi bộ, do đồng bào dân tộc Sán Chỉ mở. Sau này, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bình Liêu đưa xe ủi, máy xúc mở rộng đường đủ cho xe ô tô chạy, song vẫn chỉ là đường đất. Tuy vậy, xe ô tô cũng chỉ đi được lên đỉnh Cao Ba Lanh vào thời tiết nắng khô, còn trời mưa phải đi bộ.

Dãy núi Cao Ba Lanh nay được giao cho Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bình Liêu quản lý. Bước đầu, Công ty đã tổ chức trồng cây lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ như chăn nuôi bò, gà hay nấu rượu. Ở đây, Công ty đặt ba trạm quản lý nằm rải từ chân núi lên đỉnh núi. Trạm gác thứ 3 tuy nằm trên đỉnh núi cao tới hơn ngàn mét nhưng cũng có đầy đủ điện, nước và ti vi. Trạm này có 2 người trông coi đất rừng và nuôi trâu, thả gà, trồng rau.
Ông Tằng Chí Thoòng, 57 tuổi, dân tộc Dao cho biết: Công việc của ông chủ yếu là trông coi đàn gia súc và quản lý đất rừng. Ông cũng thường vào rừng đào măng, kiếm củi để tăng thêm lượng thực phẩm và chất đốt cho cuộc sống hàng ngày. Ông Thoòng nói: “Thời tiết trên đỉnh núi mùa hè luôn mát mẻ, mùa đông rét buốt nên bếp lửa của trạm chẳng bao giờ tắt”.

Các đơn vị LLVT trên địa bàn huyện Bình Liêu tham gia xóa nhà tạm tại xã Đồng Văn.


Trạm gác thứ hai nằm ở lưng chừng núi, nơi đây là căn nhà gác hai tầng bê tông kiên cố và một dãy nhà gỗ tre. Đây cũng chính là nơi duy nhất chưng cất ra rượu Cao Ba Lanh - một loại rượu gạo nấu bằng men lá nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh nhờ có nguồn nước và khí hậu đặc biệt.

Ông Cao Tường Huy - Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho biết: Đỉnh Cao Ba Lanh có vị trí quan trọng trong quốc phòng an ninh. Đây cũng là địa điểm hấp dẫn khách du lịch bởi sự hoang sơ tự nhiên. Trên đỉnh Cao Ba Lanh có nhiều bãi đá với hình thù lạ, đặc biệt là "Bãi đá thần" gắn với truyền thuyết những viên đá tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng ngăn bước chân quân xâm lược; có hai hồ nước tự nhiên lớn, có nhiều bãi cỏ rộng và các khu rừng tự nhiên. Cộng thêm ở đây khí hậu, thời tiết mát mẻ vào mùa hạ, khách du lịch có thể được tận hưởng một không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ và quyến rũ của thiên nhiên kì vĩ.

Bình Liêu đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin các cơ quan chức năng xếp “Bãi đá thần” trên đỉnh núi Cao Ba Lanh vào loại hình di tích danh thắng. Như vậy, những giá trị đặc biệt về nhiều mặt của Cao Ba Lanh sẽ được đầu tư, bảo tồn và khai thác hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch sinh thái của Bình Liêu trong tương lai, giúp người dân địa phương bám đất, bám rừng, giữ gìn chủ quyền biên giới vừa phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.



Văn Đức
Cần đầu tư hoàn thành Đường lên ngã ba biên giới - Bài 1
Cần đầu tư hoàn thành Đường lên ngã ba biên giới - Bài 1

Quốc lộ 4H được coi như trục “xương sống”, nối liền trung tâm tỉnh Điện Biên với các địa phương dọc tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung, đến ngã ba biên giới giữa 3 nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN