Bầu cử Mỹ: Ứng viên M.Romney giành chiến thắng ở New Hampshire

Ngày 11/1 (giờ Việt Nam), ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại bang New Hampshire, cựu Thống đốc bang Massachusetts, ông Mitt Romney, đã tổ chức họp báo tung hô thắng lợi, tự cho mình là người có đủ năng lực nhất trong số các ứng cử viên Cộng hòa để có thể đánh bại ứng cử viên gần như duy nhất của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama.

Ông Mitt Romney vẫy chào người ủng hộ. Ảnh: Internet


Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Romney một lần nữa vượt qua vòng loại, giành chiến thắng quan trọng thứ hai với khoảng 35% số phiếu ủng hộ so với 25% dành cho hạ nghị sỹ 77 tuổi Ron Paul và 16% cho cựu Thống đốc bang Utah Jon Huntsman.

Người về đích thứ hai tại bang Iowa, cựu thượng nghị sỹ Rick Santorum chỉ về đích thứ tư với 10% phiếu ủng hộ, thấp hơn cả tỷ lệ 11% phiếu dành cho cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich. Thống đốc bang Texas, ông Rick Perry, chỉ nhận được 1% số phiếu so với 10% tại bang Iowa. Ngoại trưởng bang New Hampshire, ông William Gardner, ước tính năm nay có khoảng 250.000 cử tri Cộng hòa tham gia bỏ phiếu so với 239.000 người trong cuộc bầu cử năm 2008.

Các chuyên gia phân tích cho rằng chiến thắng với khoảng cách khá xa của ông Romney là kết quả của sự đầu tư và nỗ lực vận động suốt từ năm 2009 đến nay. Cho tới nay, tổng chi phí riêng cho quảng cáo tranh cử của ông Romney đã lên tới 5,6 triệu USD. Với hai thắng lợi liên tiếp đầu tiên, ông Romney được cho đang dần nổi lên thành ứng cử viên sáng giá nhất để bước vào hai cuộc tranh đua quan trọng tiếp theo, tại những bang có đông cử tri bảo thủ và độc lập là South Carolina vào ngày 21/1 và Florida vào ngày 31/1.

Dự báo trong những ngày tới, khi vận động tranh cử tại 2 bang quan trọng tiếp theo, các ứng cử viên Cộng hòa sẽ tiếp tục công kích để ngăn chặn đà chiến thắng của ông Romney. Các hoạt động làm giàu bị cho là không chính đáng, sa thải người làm công một cách tùy tiện khi còn là chủ một doanh nghiệp đầu tư tư nhân cộng với các quan điểm bị cho là trung dung của vị cựu thống đốc 65 tuổi này sẽ tiếp tục bị các ứng cử viên khác công kích.

Khác với cuộc bỏ phiếu ở bang Iowa chỉ diễn ra vào buổi tối, các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 10/1 tại bang New Hampshire diễn ra từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối. Khác với hầu hết các bang, luật bầu cử của bang New Hampshire cho phép cử tri không nhất thiết phải chính thức đăng ký tham gia bất kỳ đảng phái nào trước khi bỏ phiếu, thậm chí có thể chuyển đổi đảng phái sau khi đã bỏ phiếu. Cử tri New Hampshire cũng tự cho mình ở vị thế bang số 1 trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, thậm chí nhiều cử tri bang này khẳng định họ là người "lựa chọn các tổng thống Mỹ".

Nếu kết quả bầu cử sơ bộ ngày 3/1 tại bang Iowa được coi là thước đo sức hút của từng ứng cử viên đối với lực lượng cử tri bảo thủ và cử tri độc lập, thì kết quả cuộc bỏ phiếu tại bang New Hampshire (có đặc quyền được tổ chức bầu cử sơ bộ sớm kể từ năm 1952) lại được nhìn nhận như một hiệp đấu củng cố thêm vị thế của những ứng cử viên có uy tín hơn. Một kết cục tốt sẽ là cơ hội để các ứng cử viên nhận thêm tiền quyên góp, một yếu tố đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là cũng mang tính chất quyết định đối với mọi tham vọng chính trị tại Mỹ. Bang New Hampshire được phân bổ 12 ghế trong tổng số 2.286 đại biểu tham gia đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra tại thành phố Tampa thuộc bang Florida từ ngày 27-30/8/2012.

Theo luật pháp của bang New Hampshire, chỉ cần nộp lệ phí 1.000 USD, không cần các đảng phê chuẩn, cũng sẽ được ghi tên là ứng cử viên. Do vậy danh sách ứng cử viên của đảng Cộng hòa trên lá phiếu phát cho cử tri bang này năm nay đạt mức cao kỷ lục 33 người.

Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ cũng diễn ra cùng thời gian nhưng cũng giống như tại Iowa, đương kim Tổng thống Obama hầu như không gặp phải sự cạnh tranh nào đáng kể, cho dù danh sách ứng cử viên trên lá phiếu của cử tri đảng Dân chủ tại bang này cũng lên tới 13 người.

Bang New Hampshire có dân số khoảng 1,4 triệu người, trong đó 96% là người da trắng. Có tới 50% cử tri bang này tự nhận là cử tri độc lập, do vậy được gọi là một trong những bang dao động nhất trong các kỳ bầu cử ở Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2008, có 25,6% cử tri New Hampshire đăng ký ủng hộ đảng Dân chủ so với 36,7% đăng ký bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa. Năm 2000, New Hampshire là bang duy nhất ở vùng đông bắc nước Mỹ bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush. Có một thực tế đáng quan tâm là các ứng cử viên đắc cử tổng thống gần đây nhất là Bill Clinton, Bush và Obama đều chỉ là những người về đích thứ hai trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire.

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Bầu cử Mỹ: Các ứng cử viên Cộng hòa khẩu chiến
Bầu cử Mỹ: Các ứng cử viên Cộng hòa khẩu chiến

Các ứng cử viên đảng Cộng hòa đang mở chiến dịch công kích nhau trực diện nhằm làm giảm uy tín của đối thủ và tìm kiếm các lá phiếu trước cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai ở bang New Hampshire vào ngày 10/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN