Bảo tồn nguồn gen quý của Việt Nam - Bài cuối: Bảo tồn gen gắn với phát triển kinh tế

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm ở nước ta đang có sự hao hụt cần bảo tồn. Tuy nhiên, việc bảo tồn phải gắn với phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân.


Nguy cơ mất gen quý


Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Huệ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nguy cơ xói mòn nguồn gen với tốc độ nhanh đang diễn ra bởi nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng hiện nay dường như bị phó mặc cho các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, còn địa phương hầu như đứng ngoài cuộc.

Phiên chợ vùng cao của bà con dân tộc thiểu số. Rất dễ bắt gặp những giống gia cầm quý hiếm được bày bán ở đây.


Giống ổi Bo chính gốc Thái Bình nhiều năm nay còn lại rất ít. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa, diện tích ao vườn của người dân trong vùng đều giảm. Người trồng ổi Bo ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế từ cây ổi này không cao. Cây ổi Bo sau ba năm trồng mới có quả, mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ vào khoảng tháng bảy.


Ngay tại Hà Nội cũng có rất nhiều giống cây ăn quả quý hiếm đứng trước nguy cơ bị mai một. Theo khảo sát của Trung tâm Tài nguyên thực vật, vùng thượng nguồn sông Đáy là nơi có nguồn gen cây ăn quả rất phong phú, các nhà khoa học đã phát hiện được 6 nguồn gen quý cần được bảo tồn như: Bưởi Diễn, hồng Thạch Thất, quýt Tích Giang, cam Canh, nhãn muộn Đại Thành... Tuy nhiên, công tác bảo tồn các giống cây này chưa được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, giống quýt Tích Giang (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) nổi tiếng bởi chất lượng thơm ngon và năng suất cao, có thể đạt 100 kg quả/cây. Hơn nữa, quả quýt lại to, 120 - 130 gam/quả, rất ít hạt. Thế nhưng, hiện nay giống cây ăn quả này đang đứng trước nguy cơ mai một vì chưa được phát triển đúng mức.


Đối với vật nuôi quý hiếm, tình trạng cũng không khả quan hơn. TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam), nguyên là Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi quốc gia, cho biết, Việt Nam có khoảng 20 loài vật nuôi, trong đó 3 loài do người Việt Nam thuần hóa là trâu, lợn, gà và 17 loài nhập ngoại. Sự hao hụt nguồn gen vật nuôi ở nước ta hiện nay là do sự thay thế các giống năng suất thấp (bản địa) bằng các giống/dòng cao sản từ các nước phát triển. Cụ thể, các loài đặc hữu Việt Nam thường có năng suất thấp và chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, những giống nuôi công nghiệp thường cho năng suất cao hơn.


“Gà, lợn bản địa thường bán với giá cao. Đương nhiên, với mức thu nhập của người dân hiện nay thì các loại thịt đó không thể là lựa chọn hàng ngày. Trong khi đó, các loại thịt gà, lợn công nghiệp nếu được nuôi đúng cách thì sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng hơn gà, lợn bản địa”, TS Sự dẫn chứng.


Nhân rộng bảo tồn


Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Huệ, cần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn gen cây quý cho cả người dân và chính quyền địa phương. Hiện nay, có 2 hình thức bảo tồn nguồn gen: Bảo tồn tại chỗ và bảo tồn bên ngoài nơi cư trú tự nhiên của nguồn gen. Trong đó, hình thức bảo tồn tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi không chỉ duy trì được sự tiến bộ nguồn gen mà qua thời gian sàng lọc, phương pháp này có thể mở rộng nguồn gen.


“Việt Nam đã có khoảng 30 đề tài bảo tồn nguồn gen giống cây trồng tại chỗ nhưng chưa hiệu quả bởi không gắn với sản xuất. Do đó, việc bảo tồn phải gắn với việc khai thác sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân”, theo bà Huệ.


Còn theo TS Võ Văn Sự, sự phát triển trở lại của một số giống vật nuôi bản địa của Việt Nam thời gian qua là do nhu cầu của thị trường. Thực tế cho thấy, các giống công nghiệp có năng suất cao nhưng chất lượng nói chung không bằng giống bản địa. Bởi thế, con người hiện đại có xu hướng quay trở lại ăn những giống vật nuôi truyền thống của Việt Nam, ngon và lạ miệng. Chính những giống bản địa này đã và đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người chăn nuôi, đặc biệt ở khu vực miền núi.


“Các dân tộc thiểu số hiện vẫn nuôi các giống nội địa như bao đời nay. Việc lên ngôi của các giống nội địa những năm gần đây giúp họ tăng thêm thu nhập. Các loài vật bán được nhiều nhất và giá cao gần đây là các loại lợn đen bản địa và bò H’mông. Rất nhiều quán ăn trương biển bán các loại thức ăn đó”, TS Sự nói.


Mặt khác, theo TS Sự, vẫn có thể nhân rộng giống vật nuôi bản địa thay vì chỉ nuôi ở đúng quê hương của nó. TS Sự cho rằng, chất lượng giống vật nuôi có thể giảm đôi chút nhưng bù lại, chúng được phát triển mở rộng, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân. Thậm chí, nếu được chăn nuôi bài bản, khoa học thì chất lượng không thua kém so với việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình địa phương... Ví dụ, gà Đông Tảo hiện nay đang được phát triển rất nhiều tại khu vực phía Nam.


Từ năm 1990, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định cho Viện Chăn nuôi thành lập Dự án bảo tồn quỹ gen các giống vật nuôi quý hiếm. Từ đó hình thành một mạng lưới bảo tồn với khoảng 30 tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện các giống vật nuôi quý hiếm để có kế hoạch bảo tồn.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN