Nằm giữa thung lũng và cách biệt với các khu dân cư khác của thôn bởi con sông Trà Bồng, nên cách duy nhất để người dân “ốc đảo mồ côi” giao lưu với bên ngoài… bằng cách dùng thúng nan để qua sông.
Người dân thôn Nà Ân cõng con em lội qua sông đến trường. |
“Ốc đảo mồ côi” là tên thường gọi của xóm Nà Ân, thuộc thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi). Xóm được hình thành từ dự án xây dựng khu kinh tế mới năm 1978. Ban đầu xóm có 12 hộ, đến nay cũng chỉ vẻn vẹn 14 hộ với gần 50 nhân khẩu, trong đó có 13 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông.
Để giao lưu buôn bán, học tập, cũng như thực hiện các công việc cần thiết khác, những người dân nơi đây chỉ có hai cách: Mùa nắng nước sông nhỏ thì lội qua, còn mùa mưa nước sông lớn thì phó thác vào chiếc thúng nan. Biết là rất nguy hiểm, nhưng họ vẫn phải đánh cược mạng sống với tử thần trên những chiếc thúng nan nhỏ bé này. Do đây là khu vực đất đai phì nhiêu, nên đã có nhiều người tìm đến sinh sống, cũng có người định mở rộng kinh tế gia đình, nhưng khi vận chuyển hàng hóa qua sông khó khăn thì họ lại lần lượt bỏ làng ra đi. Những người bám trụ lại chẳng có cách gì thoát nghèo, chỉ quanh quẩn cây sắn với cây keo, nhưng do bị thương lái ép giá nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Hàng chục năm qua, cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn...
Người lớn qua sông đã khó, trẻ em muốn qua sông đi học lại còn khó gấp bội. Nhưng với ước mơ để có được con chữ cho bằng bạn, bằng bè, thì hàng ngày các em lớn phải tự mình qua sông để đến trường, còn những em nhỏ cha mẹ phải đưa rước. Nhiều hôm mưa to, nước chảy xiết không thể qua sông được, các em đành bỏ học. Vào mùa mưa thì các bậc phụ huynh phải sang bên kia sông gửi nhờ các nhà dân, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em. Nhưng đáng sợ nhất là bị đau ốm vào buổi tối, vì khi đó “ốc đảo mồ côi” này mới thực sự trở thành “ốc đảo mồ côi” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, gây nên tâm lý bất an cho bà con.
Chia sẻ với những khó khăn của xóm Nà Ân, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Trà Phú, huyện Trà Bồng cho biết: Năm nào xã cũng trích kinh phí hỗ trợ xóm 1 chiếc thúng để người dân có điều kiện đi lại. Xã cũng đã nhiều lần đề xuất lên các cấp chính quyền để xin làm một cây cầu, nhưng do không có kinh phí nên nguyện vọng của bà con vẫn chưa thành hiện thực. Còn để xây dựng một khu tái định cư thì hiện tại không có đất để di dời các hộ dân qua bên này sông.
Niềm hy vọng có một cây cầu để vượt sông, giải quyết khó khăn cho bà con "ốc đảo mồ côi" chỉ có thể trở thành hiện thực khi được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Rất mong các cấp chính quyền sẽ sớm vào cuộc, để "ốc đảo mồ côi" sẽ sớm không còn mồ côi nữa...
Bài và ảnh: Đinh Thị Hương