Áp dụng khoa học công nghệ để tránh “được mùa - rớt giá”.

Khoa học ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng và tính chất quyết định đối với nền kinh tế cũng như đối với từng gia đình.Tuy nhiên, nông dân chưa tiếp cận được các quy trình chế biến, bảo quản tiên tiến, thường xuyên phải chịu nỗi lo “được mùa - rớt giá”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã giải thích rõ điều này trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Xây dựng đội tàu dịch vụ


Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, hiện nay, do chưa có công nghệ bảo quản, các ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương khi đánh bắt lên rất tươi ngon, nhưng giá bán chỉ được bằng một phần ba đến một phần tư so với cá ngừ cùng loại của Nhật Bản. Điều này xuất phát từ một thực tế là quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh, thậm chí các doanh nghiệp chế biển thủy hải sản còn có quy mô nhỏ lẻ, chưa có các tàu dịch vụ để giúp cho bà con nông dân có thể bảo quản sơ bộ cá ngừ ngay sau khi đánh bắt và trong nhiều ngày đi từ đại dương về đất liền. Do bảo quản bằng những phương pháp cổ điển nên khi về đến bờ, thủy hải sản đã bị giảm chất lượng.


“Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm đến vấn đề này. Cách đây hai năm, đơn vị đã tiếp nhận công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương cũng như các loại thủy hải sản khác trong thời gian lâu dài mà vẫn giữ nguyên được chất lượng như khi mới đánh bắt, do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chuyển giao. Hiện, công nghệ này đã thí nghiệm thành công với cá ngừ, tôm sú và một vài loại nông sản khác nhưng để áp dụng được thì còn phải tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản.

“Hy vọng, năm tới sẽ xuất khẩu được mặt hàng vải quả sang Nhật Bản. Tuần tới, container đầu tiên với 10 tấn quả vải từ Lục Ngạn sẽ lên đường sang Nhật Bản. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục giúp bà con nông dân tiêu thụ vải ở thị trường này”.

 (Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân)

Trước mắt, Bộ đã hợp tác với tỉnh Phú Yên, xây dựng một nhà máy bảo quản cá ngừ cho bà con ngư dân ở Phú Yên và Bình Định. Tuy nhiên, để thực hiện được công nghệ này, bà con phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ trong việc bảo quản sơ bộ khi đánh bắt xong cho đến khi đưa về nhà máy để chế biến. Nếu không, sản phẩm sẽ bị hỏng trước khi tiếp cận được công nghệ chế biến bảo quản hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.


Cũng theo Bộ trưởng, về lâu dài, Bộ Khoa học và Công nghệ có kế hoạch xây dựng tàu dịch vụ để bảo quản cá ngừ đại dương cho bà con ngay ở trên biển. Có như vậy mới đảm bảo được tỷ lệ cá ngừ loại 1 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở mức cao. Do đó, hiện nay, đơn vị rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc doanh nghiệp để xây dựng một tàu dịch vụ. Bộ cũng đang nghiên cứu đề tài làm đá mặn từ nước biển để có nhiệt độ làm lạnh sâu hơn, giúp cho việc bảo quản cá ngừ ở mức sơ chế tốt hơn nhằm nâng cao tỷ lệ sản phẩm có chất lượng tốt khi đưa về các nhà máy chế biến trong đất liền.


Tổ chức lại sản xuất


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: “Cách đây 3 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho cụm vải thiều Lục Ngạn xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây vải và nhờ vậy, giá bán của vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã cao hơn nhiều so với trước đây. Nông dân đã bớt phải bán đổ bán tháo khi vào mùa chín rộ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, chúng tôi vẫn mong muốn có công nghệ bảo quản chế biến cho loại sản phẩm này”.


Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2013, Bộ đã có chương trình hợp tác với Nhật Bản về bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp trị giá gần 1 triệu USD. Đó là công nghệ CAS (Hệ thống tế bào còn sống) để sử dụng trong bảo quản nông, thủy sản xuất khẩu. Với nguyên lý kết hợp giữa từ trường và đông lạnh nhanh, hải sản và trái cây được bảo quản bằng công nghệ CAS sẽ giữ được chất lượng, độ thơm ngon như vừa mới thu hoạch, thời gian lưu trữ có thể 1 hay nhiều năm, tùy sản phẩm. Đây là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hải sản, nông sản, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Canađa, Mexico, Ireland, Anh, Hàn Quốc.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư, giai đoạn 1 là nhập khẩu công nghệ, làm chủ công nghệ và thí nghiệm thành công với quả vải, tôm sú và cá ngừ. Bộ đang đàm phán với Nhật Bản để đưa quả vải thâm nhập vào thị trường này.


“Theo quy trình hiện nay, chúng ta phải thí điểm đưa cho đối tác Nhật Bản một số sản phẩm mẫu. Sau khi họ chấp nhận, lúc đó mới ký được hợp đồng. Nhưng ngay cả khi họ đã chấp nhận thì việc đưa một sản phẩm vào một quốc gia có những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe như Nhật Bản và châu Âu cũng không dễ dàng. Chắc chắn khu vực trồng vải phải tổ chức lại sản xuất, việc gieo trồng chăm bón, thu hoạch phải theo quy trình trước mắt là Viet Gap, còn về lâu dài là những tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap). Khi đó, quả vải mới có được chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khuyến cáo.

 

Trọng Thủy

Hỗ trợ mạnh hơn, nhiều hơn cho ngư dân
Hỗ trợ mạnh hơn, nhiều hơn cho ngư dân

Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược nhằm phô trương sức mạnh quân sự trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam đã lên nhiều phương án để giải quyết vấn đề này - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã chia sẻ với báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN