Ai Cập tịch thu tài sản 900 thành viên Anh em Hồi giáo

Ngày 21/1, một ủy ban do Chính phủ Ai Cập thành lập cho biết đã tịch thu tài sản của 901 thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi đầu tháng 7/2013.

Ủy ban nói trên cũng cho biết đã hủy bỏ quyết định tịch thu tài sản của 5 nhà lãnh đạo MB sau khi đơn kháng cáo của họ được tòa án chấp nhận, song sẽ tiếp tục triển khai 166 vụ tịch thu tài sản khác trong thời gian tới sau khi hoàn tất các thủ tục.

Một số thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Ảnh: AFP-TTXVN


Theo thẩm phán Ezat Khamis, người đứng đầu ủy ban trên, tài sản của các thành viên MB bị tịch thu bao gồm 28 bệnh viện và trung tâm y tế cùng 82 trường học. Số lượng trường học dự kiến tịch thu ban đầu là 1.137, song nhiều trường học trong số đó đã kháng cáo thành công.

Ngoài ra, 532 công ty cũng bị tịch thu, tuy nhiên chính quyền hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm ban lãnh đạo mới để điều hành các các công ty này.

Trong khi đó, phát ngôn viên của ủy ban trên Mohamed Abul-Fotouh cho biết qua tiến hành điều tra đã phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ về hoạt động rửa tiền liên quan đến chuỗi siêu thị ZAD thuộc sở hữu của Phó Thủ lĩnh tối cao MB Khairat el-Shater. Cũng theo ông Fotouh, hiện rất khó để xác định tổng giá trị tài sản của các thành viên MB bị tịch thu.

Kể từ cuộc chính biến ngày 3/7/2013, chính quyền Ai Cập đã mạnh tay đàn áp đối với các thành viên MB và những người ủng hộ phong trào này.

Kết quả, hơn 1.400 người biểu tình Hồi giáo đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố với lực lượng an ninh và khoảng 20.000 người khác bị bắt giam, trong đó hàng trăm người đã bị kết án tử hình tại các phiên xét xử hàng loạt.

Cựu Tổng thống Mubarak bị điều tra về cáo buộc mới

Trong một diễn biến khác cùng ngày 21/1, Tổng công tố Ai Cập Hesham Barakat đã quyết định mở cuộc điều tra mới về cáo buộc tham nhũng trong lĩnh vực tài chính đối với cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Quyết định trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi Tòa Phá án Ai Cập chấp nhận đơn kháng cáo của nhà lãnh đạo này liên quan đến bản án cuối cùng có thời hạn 3 năm tù với tội danh biển thủ hơn 100 triệu bảng Ai Cập (khoảng 14 triệu USD) công quỹ vốn dành cho việc tu sửa dinh tổng thống.


Cáo buộc mới chống lại ông Mubarak được nêu trong đơn kiện của nhiều chính khách, trong đó có cựu Bộ trưởng Giáo dục Hossam Eissa và cựu nghị sĩ Gamal Zahran. Theo đơn kiện này, cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị cáo buộc tham nhũng tài chính và lạm quyền trong 30 năm cầm quyền của mình.

Tháng 11 vừa qua, Tòa án Hình sự Cairo đã bác bỏ một số tội danh khác đối với ông Mubarak, cùng một số cựu quan chức dưới thời nhà lãnh đạo này liên quan đến việc trấn áp những người biểu tình trong làn sóng phản đối chính phủ hồi năm 2011.

Cựu Tổng thống Mubarak bị lật đổ tháng 2/2011 sau 18 ngày diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ Ai Cập trên khắp cả nước. Hiện cựu lãnh đạo 86 tuổi này vẫn đang phải thụ án tại một bệnh viện quân y ở ngoại ô thủ đô Cairo.


TTXVN/Tin tức

Ai Cập tuyên án tử hình 4 thành viên Anh em Hồi giáo
Ai Cập tuyên án tử hình 4 thành viên Anh em Hồi giáo

Hãng thông tấn chính thức MENA đưa tin ngày 7/12, một tòa án Ai Cập đã tuyên án tử hình 4 thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) với các cáo buộc giết người và bạo lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN