Ai Cập: Phe đối lập bác bỏ đối thoại

Trong bối cảnh Ai Cập rơi vào tình trạng hỗn loạn với những cuộc biểu tình chống chính phủ rộng khắp, đụng độ đẫm máu ở thành phố Port Said và nhiều địa điểm khác, Tổng thống Mohamed Morsi ngày 29/1 đã đưa ra đề nghị thỏa hiệp và một lần nữa lặp lại lời mời phe đối lập tham gia đối thoại. Tuy nhiên, khối đối lập chính Mặt trận Cứu quốc (NSF) đã bác bỏ.

Thay đổi vị trí?

 

NSF của cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei còn đưa ra những điều kiện tiên quyết cho Tổng thống Morsi, trong đó có sửa đổi hiến pháp, lập một chính phủ bảo hộ quốc gia, cách chức Trưởng công tố hiện nay và đưa phong trào Anh em Hồi giáo vào khuôn khổ pháp luật hơn.


Người biểu tình Ai Cập xung đột với cảnh sát gần Quảng trường Tahrir ngày 29/1. Ảnh:AFP/TTXVN.


Tân Hoa xã nhận định dường như vị thế của các bên đang đổi chỗ cho nhau. Trước đây, phe đối lập thường tìm cách đối thoại với chính phủ, song hiện nay là tổng thống tìm cách đối thoại với phe đối lập và phe đối lập lại bác bỏ.

Ngày 29/1, Tổng thống Morsi tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp và với tư cách cá nhân cùng các lãnh đạo và thành viên của NSF. Song, NFS cho rằng lời mời đối thoại của ông Morsi cần được đưa ra với những lực lượng chính trị cụ thể có ảnh hưởng trên vũ đài nhằm đạt được tính hiệu quả và thiết thực.

Một thành viên hàng đầu của NSF, Wahid Abdel Meguid nói rằng cần có một sự khởi đầu mới cho đối thoại, dựa trên các nguyên tắc và quy định cụ thể. Theo nhân vật này, chỉ có ba lực lượng chính trị chính cần tham gia đối thoại là NSF, đảng Tự do và Công lý (FJP) của Anh em Hồi giáo và đảng an-Nour Salafi, cho rằng ba đảng này đại diện cho 90% chính trường Ai Cập.

Tại một cuộc họp báo ngày 29/1, Tổng thống Morsi cho rằng đòi hỏi của phe đối lập về giải tán chính phủ hiện nay và lập một chính phủ bảo hộ là rất khó khăn, không có lợi cho người dân Ai Cập vì mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, thành viên NSF Meguid nhận xét đây là lời bào chữa "khập khiễng" vì chính phủ hiện nay không đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như không thể giải quyết được khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Trước tình hình bất ổn ở trong nước, Tổng thống Ai Cập Morsi đã hoãn chuyến thăm chính thức đến Pháp trong tuần này. Trong khi đó, văn phòng của ông Morsi ngày 29/1 cho biết chuyến thăm Đức hai ngày bắt đầu từ 30/1 của nhà lãnh đạo này vẫn sẽ diễn ra, nhưng bị cắt xuống chỉ còn vài tiếng đồng hồ.


Bạo lực

Tình hình tại Ai Cập vẫn rất căng thẳng sau làn sóng bạo lực vừa qua. Ngày 29/1, cướp phá xảy ra tại một khách sạn sang trọng bên bờ sông Nile ở thủ đô Cairo phủ thêm bóng đen u ám lên ngành du lịch hàng đầu của nền kinh tế này.

Trưởng Công tố Talaat Abdallah đã ra lệnh cho cảnh sát và nhân viên an ninh thuộc lực lượng vũ trang bắt giữ tất cả các thành viên đáng ngờ của nhóm Khối Đen. Theo các công tố, có bằng chứng về việc Khối Đen đang thực hiện các hoạt động khủng bố.

Các quan chức chính phủ là người của phong trào Anh em Hồi giáo và phương tiện truyền thông nhà nước đã cáo buộc nhóm Khối Đen gây ra bạo lực và có âm mưu phóng hỏa dinh tổng thống, tấn công trụ sở chính của Anh em Hồi giáo, cướp bóc các cơ quan chính phủ, ngăn chặn các tuyến đường sắt và đụng độ với lực lượng an ninh.

Số người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên phạm vi cả nước giữa người biểu tình và lực lượng an ninh kể từ ngày 25/1 là 51 người. Ngày 29/1, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, Navi Pillay đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng bạo lực xảy ra dồn dập tại Ai Cập làm nhiều người chết và bị thương.

Bà Pillay kêu gọi Chính phủ Ai Cập xem xét lại các biện pháp đang áp dụng để vãn hồi trật tự trong nước, trong đó cần chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực, đồng thời phải sớm có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân, đặc biệt là phụ nữ. Các bên liên quan ở Ai Cập cần đối thoại để tìm giải pháp cho những bất đồng và thù địch hiện nay trong xã hội.

Nhà Trắng cũng kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Ai Cập tìm kiếm giải pháp cho bất ổn hiện nay. Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập đã ngừng mọi hoạt động kể từ ngày 29/1 do tình hình an ninh bất ổn xung quanh tòa đại sứ.

Theo báo "Al-Masry Al-Youm", cơ quan ngoại giao này của Mỹ tại Cairo đã thông báo trên trang mạng xã hội Twitter rằng tất cả các dịch vụ bao gồm cả việc cấp thị thực sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ ở Ai Cập vẫn được duy trì. Trước đó, ngày 27/1 sứ quán Mỹ đã tạm thời đóng cửa nhưng sớm mở lại trong ngày 28/1.

Trong một thông tin trên website của mình, Đại sứ quán Mỹ đã thúc giục công dân của họ đang sinh sống và làm việc tại Ai Cập "tránh những nơi tụ tập đông người", đồng thời cảnh báo: "Ngay cả các cuộc biểu tình dự kiến là hòa bình có thể biến thành đối đầu và leo thang thành bạo lực". Các nguồn tin ngoại giao tại chỗ cho biết đại sứ quán của ba nước khác cũng đã phải tạm thời đóng cửa là Canada, Anh và Bỉ.


TTXVN/ Tin tức

Tướng Ai Cập cảnh báo nguy cơ đất nước sụp đổ
Tướng Ai Cập cảnh báo nguy cơ đất nước sụp đổ

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, tướng Abdel Fattah-Sissi ngày 29/1 cảnh báo cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này có thể dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN