Ngày 19/6, bác sĩ Trần Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bến Tre cho biết: 12 bệnh nhân HIV tại xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre đang được chăm sóc y tế tốt nhất. Nguồn gốc nhiễm bệnh vẫn đang được Viện Pastuer TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xác định.
Vừa qua, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cũng tiến hành khám sức khỏe các bệnh nhân để đưa ra phác đồ, thuốc thang phù hợp. Hiện nay, sức khỏe và tâm lý các bệnh nhân đều ổn định, người bệnh và người thân của họ mong muốn ngành y tế và các ban ngành liên quan cố gắng xác định nguồn gốc lây nhiễm HIV tại đây.
Một bệnh nhân HIV tại ấp Ngãi Đăng. Ảnh: vnexpress.net |
Ngoài ra, lượng CD4 (tế bào bạch cầu lympho: loại tế bào đóng vai trò tổ chức hoạt động của hệ thống miễn dịch) của hầu hết 12 bệnh nhân HIV tại xã Ngãi Đăng chỉ còn dưới 200/mm 3 huyết tương, cho thấy các bệnh nhân này đều đã có thời gian nhiễm bệnh từ 5 năm trở lên. Thực tế này khiến việc điều tra nguồn gốc lây nhiễm ngày càng khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Trần Tấn Đạt khẳng định, việc các bệnh nhân này mạnh dạn công khai mình bị nhiễm HIV là một hành động dũng cảm, đầy trách nhiệm với cộng đồng. Hành động này đã hạn chế tình trạng lây lan HIV tại địa phương.
Đặc biệt, hai ông Nguyễn Văn Chiến (58 tuổi) và Huỳnh Văn Hồng (62 tuổi) là hai người phát hiện bị nhiễm đầu tiên trong nhóm đã khuyên những người còn lại đi xét nghiệm.
"Ở nông thôn, người dân vừa chủ quan với nguy cơ nhiễm HIV và vừa kì thị với những ai nhiễm loại virus này nên hành động của các bệnh nhân này càng đáng quý. Một số người bị nhiễm HIV mà tôi từng tiếp xúc không công khai mình nhiễm bệnh do ngần ngại bị kì thị, xa lánh, hoặc đưa ra các lý do sợ ảnh hưởng tới việc cưới vợ, gả chồng cho con sau này" - BS Đạt phân tích thêm.
Cũng theo bác sỹ Đạt, việc 12 người dân bị phát hiện nhiễm HIV trong thời điểm hiện nay có một ý nghĩa khá quan trọng đối với cộng đồng, bởi đây là tháng cao điểm phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận.
Hưng Thịnh