Yên Bái thông xe cầu Bách Lẫm bắc qua sông Hồng

Ngày 30/6, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ thông xe cầu Bách Lẫm kết nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe.

 

Cầu Bách Lẫm là công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020. Cầu có điểm đầu gắn với ngã tư Cao Lanh, đầu đại lộ Nguyễn Thái Học thuộc phường Yên Ninh, điểm cuối giao cắt với quốc lộ 32C tại khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Cầu được khởi công từ 18/5/2016, hoàn thành cuối tháng 5/2018.

 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và đông đảo người dân trong tỉnh tham dự lễ thông xe.

 

Công trình do Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Trung Chính. Cầu được thiết kế vĩnh cửu, hiện đại, sử dụng dầm cát hỗn hợp Extradosed bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với bề rộng toàn cầu 18m, chiều dài toàn cầu 435,5m, gồm 7 nhịp, cầu có hai trụ tháp cao 20m tính từ mặt cầu và một mặt phẳng dây văng, chiều cao của cầu so với mặt nước đảm bảo thông thuyền cấp III. Công trình được xây dựng bằng vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương và địa phương, tổng mức đầu tư 512 tỷ đồng.

 

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi lễ.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, cầu Bách Lẫm là công trình đường bộ vượt sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với các công trình đường Âu Cơ, cầu Tuần Quán, đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ đảm bảo sự kết nối liên thông, đồng bộ, hạ tầng giao thông giữa thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển đô thị thành phố Yên Bái, đảm bảo sự thông thương, kết nối hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng

 

Chú thích ảnh
Cầu Bách Lẫm trong ngày thông xe.

 

Công trình sẽ là động lực để thu hút đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu hành chính thành phố Yên Bái và khu công nghiệp tại các xã hữu ngạn sông Hồng. Qua đó góp phần tạo diện mạo mới, tăng tính năng động và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Yên Bái, xứng tầm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh và sớm trở thành đô thị loại 2 trong tương lai.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá cao và biểu dương chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu, đơn vị thi công đã tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tổ chức quản lý dự án, thiết kế, giám sát, thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong giải phóng mặt bằng; sự đồng thuận, đóng góp của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án để đảm bảo mặt bằng cho thi công công trình.

 

Chú thích ảnh
Cầu Bách Lẫm trong ngày thông xe.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, thôn 4, xã Giới Phiên chia sẻ, cầu Bách Lẫm hoàn thành giúp người dân xã Giới Phiên đi lại sang trung tâm thành phố Yên Bái rất thuận tiện. Trước đây, người dân trong xã muốn sang trung tâm thành phố thường phải đi đò hoặc đi vòng gần chục cây số qua cầu Yên Bái.

 

Tin, ảnh: Việt Dũng (TTXVN)
Yên Bái: Làm cầu tạm thay thế cầu treo Nậm Đông bị sập
Yên Bái: Làm cầu tạm thay thế cầu treo Nậm Đông bị sập

Ông Trần Văn Long - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: Ngay sau khi cầu treo Nậm Đông, nằm trên tuyến đường từ xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đến xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bị đứt cáp, sập đổ hoàn toàn, lãnh đạo huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo phòng chuyên môn và xã Túc Đán phối hợp với các hộ dân bản Nậm Đông, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ quyên góp vật chất, huy động lực lượng làm cầu tạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN