Ý kiến cử tri: Xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Chiều 10/8, tại Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã diễn ra chương trình chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số vấn đề liên quan trong lĩnh vực văn hóa - du lịch. Nội dung Phiên họp đã nhận được sự quan tâm theo dõi của cử tri nhiều địa phương trên cả nước.

Phát triển văn hóa làm cơ sở cho phát triển bền vững

Tâm đắc với ý kiến chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai, Phạm Văn Hòa… về thực trạng môi trường văn hóa hiện nay, Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề này được đưa ra trước nghị trường là rất cần thiết, bởi quan tâm phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nước ta.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ phát triển dựa trên những giá trị nền tảng của truyền thống lịch sử - văn hóa là xu hướng đúng đắn, khoa học, nhân văn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam cũng như đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội là điều kiện, tiền đề, nền tảng vững chắc khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, đoàn kết của cả dân tộc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đất nước trong tình hình mới. 

Theo Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh, về bản chất, xã hội là tốt và con người là hướng thiện. Vì thế, để cái tốt và lòng hướng thiện lan tỏa trong xã hội sẽ khiến cho cuộc sống đẹp hơn. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại. Từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội.

Nhất trí với những nội dung trả lời của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải pháp xóa bỏ các hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội, xâm hại môi trường văn hóa, Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh cho rằng, cần quan tâm hơn đến vai trò của nghệ thuật truyền thống trong việc xây dựng hình tượng con người mới, tôn vinh những giá trị xã hội mới. Trong đó, cần nghiên cứu, đổi mới phương thức chuyển tải các giá trị văn hóa đến với người dân để lan tỏa các thông điệp văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại. 

“Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội và hình thành sức mạnh của dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ, các giá trị cao đẹp của đạo đức, lối sống con người trong thời đại mới” - Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh chia sẻ.

Quan tâm về vấn đề văn hóa được đề cập trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phạm Văn Thảo, một cựu chiến binh tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức cho rằng, quan điểm xây dựng văn hóa ngay từ mỗi con người, từ gia đình, địa phương cơ sở là rất đúng đắn và cần thiết để thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đất nước trong thời đại mới.

Liên hệ với thực tế tại địa phương, ông Phạm Văn Thảo cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hướng tới xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần cho sự phát triển bền vững của Thành phố trong tương lai.

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là sự đầu tư về các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa mà còn bao gồm các chương trình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thành phố. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với người dân, cộng đồng dân cư vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người thụ hưởng sẽ góp phần tích cực cho sự hình thành văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp; phát huy truyền thống nghĩa tình làm động lực để nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển Thành phố.

Bày tỏ sự nhất trí với mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội về công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di tích văn hóa, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thực tế, các di tích lịch sử, di tích văn hóa tại các địa phương đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng với thế hệ trẻ. 

Theo bà Lê Tú Cẩm, thời gian qua, các di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Dinh Quận Hóc Môn, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập, Ngã ba Giồng Chiến khu Rừng Sác… đã trở thành địa điểm du lịch sinh thái, du lịch về nguồn góp phần phát triển du lịch nói riêng và góp phần phát triển kinh tế của địa phương nói chung. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về những chiến công anh dũng, sự hy sinh xương máu của các thế hệ tiền bối để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.

Cũng có chung đánh giá với ý kiến của đại biểu Quốc hội Huỳnh Điểu Sang (Bình Phước), bà Lê Tú Cẩm nêu, bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo vệ, tu bổ các di tích văn hóa, di tích lịch sử vẫn đang chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả của các di tích cho sự phát triển. Trên địa bàn Thành phố, vẫn tồn tại thực trạng nhiều công trình di tích bị xuống cấp không được bảo quản, tu bổ kịp thời do thiếu nguồn kinh phí, vướng mắc về thủ tục…

Chính vì vậy, theo bà Lê Tú Cẩm, để phát huy giá trị các di tích văn hóa, di tích lịch sử cho sự phát triển, các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh cần có biện pháp nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật về di tích, bảo vệ di tích trong cộng đồng; xây dựng chiến lược, chính sách phải dựa trên quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Tâm đắc với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, bà Lê Tú Cẩm cho rằng, bên cạnh gia tăng thêm nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương, cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động quản lý nhà nước về di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tại các địa phương. Trong đó tận dụng hiệu quả các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các dự án bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di tích.

“Bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội. Chỉ khi nào có được sự đầu tư từ Nhà nước, sự quan tâm của địa phương, sự đoàn kết chung tay của các tầng lớp nhân dân thì các di tích văn hóa, di tích lịch sử mới có thể phát huy giá trị tinh thần và vật chất to lớn của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước” - bà Lê Tú Cẩm nhấn mạnh.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chú thích ảnh
Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân chất vấn về bảo tồn voi và giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đánh giá cao không khí phiên chất vấn với sự điều hành linh hoạt, phù hợp của chủ tọa phiên họp. Các đại biểu đã trách nhiệm, tích cực trong việc bám sát chủ đề, nội dung phiên chất vấn để đặt câu hỏi và tranh luận đến cùng để làm rõ vấn đề mà đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nắm chắc vấn đề, lĩnh vực, trả lời chất vấn rõ ràng, trọng tâm.

Cử tri Y Xim Ndu, sinh năm 1992, dân tộc M’nông, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk - một bạn trẻ làm du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn văn hóa cho biết, việc triển khai các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 đang được địa phương thực hiện tốt, du khách đến Đắk Lắk ngày càng đông, nhất là du khách đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc. Sau dịch, du khách khá thích thú với loại hình du lịch xanh bền vững, như vừa leo núi, cắm trại ngủ trong rừng, săn mây và chụp ảnh trên đỉnh Chư Yang Lắk và trồng cây trên đường khách đi qua. Các hoạt động gắn với du lịch này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom và không xả rác. Các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ cho các buôn làm du lịch, hộ kinh doanh làm du lịch đã triển khai đến tận cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, không chỉ sau dịch COVID-19, ngay thời điểm dịch đang diễn ra, ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp đã xây dựng, thực hiện các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch. Ngành Du lịch cùng các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm du lịch, thực hiện công tác liên kết, tăng cường quảng bá du lịch trên môi trường mạng, tập huấn cho đội ngũ nhân lực về cách phòng, chống dịch khi tiếp đón, phục vụ khách. Đồng thời, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn song vẫn cố giữ đội ngũ nhân lực - những "hạt nhân" nòng cốt để vực dậy, khôi phục hoạt động du lịch.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng được ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk chú trọng thực hiện như: hỗ trợ kịp thời cho 71 hướng dẫn viên theo Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong ngành du lịch. Sau dịch, tỉnh cũng chú trọng liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng để thu hút du khách đến với Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Với những giải pháp ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh triển khai, sau dịch, tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch mới, được du khách đánh giá cao và trải nghiệm. Kết quả, 7 tháng đầu năm 2022, Đắk Lắk đón gần 600.000 lượt khách, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt hơn 435 tỷ đồng, tăng hơn 40%.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên họp thứ 14 chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nội dung về bảo tồn voi và giải pháp để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, sử dụng voi trong hoạt động du lịch phải đảm bảo thân thiện, giúp cho người dân chuyển đổi sinh kế gắn với phát huy giá trị văn hóa của đàn voi, do đó cần định hướng và có giải pháp quản lý chung của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ngoài ra, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải cân đối, hài hòa giữa phát triển lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế, khai thác hiệu quả thế mạnh của ngành, của các địa phương.

Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, cử tri Y Xim Ndu nêu ý kiến, cần khuyến khích 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh gìn giữ được văn hóa bản địa, nhất là các lễ hội truyền thống, nhà sàn gỗ. Thời gian qua, ở huyện Lắk, người dân bán nhà sàn gỗ khá nhiều mà đây là không gian sinh hoạt đặc sắc của người dân bản địa để du khách trải nghiệm, khám phá. Các gói hỗ trợ hộ kinh doanh làm du lịch, buôn làm du lịch cần đẩy nhanh tiến độ hơn, kịp phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách. Tại huyện Lắk, các hộ tự phát làm du lịch, quy mô nhỏ, lẻ, do đó, các lớp tập huấn cần chú trọng đến hộ dân làm du lịch. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quan như nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, thiếu nhà tắm ở một số buôn làng và liên kết các điểm đến, điểm tham quan, xây dựng quy mô lớn để tạo ấn tượng sâu cho du khách; nên gia hạn thời gian giảm mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành lâu hơn vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị chủ rừng nên có cơ chế thoáng mở cho khách du lịch tham quan, khám phá để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái rừng, du lịch khám phá trải nghiệm.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhất là giao thông, phải đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội tỉnh, giao thông đi đến các khu/điểm du lịch, giao thông đến các vùng miền. Hiện nay, doanh nghiệp Đắk Lắk chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn đến địa phương, tạo sức bật cho ngành du lịch. Trung ương, tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch với những sản phẩm mới, làm mới sản phẩm gắn với thực tiễn, nhu cầu của du khách.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk có 41 di tích được xếp hạng, chủ yếu là di tích danh lam thắng cảnh. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Tỉnh rất quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy di tích gắn với du lịch. Di tích nhiều, song chủ yếu nằm trong hệ thống rừng, vì vậy công tác kêu gọi đầu tư vào di tích khó khăn. Các chủ rừng cần xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững gắn với khai thác du lịch sinh thái. Tỉnh Đắk Lắk cũng đang thực hiện nhiều chính sách bảo tồn văn hóa gắn với du lịch, vừa giúp du khách trải nghiệm, hiểu hơn về văn hóa 49 dân tộc trên địa bàn, vừa giúp người dân địa phương yêu hơn văn hóa mình.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến du lịch

Ông Phạm Văn Lượng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn là cán bộ trong ngành du lịch đã nghỉ hưu. Ông cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những phản ánh kịp thời nhằm mở cửa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du lịch nước ta nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài kiệt quệ. Rất mừng là du lịch nội địa đã về đích trước, vượt qua mục tiêu phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa của năm 2022, có thể thấy rõ ràng là "du lịch nội địa làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế".

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Văn Lượng, du lịch quốc tế hiện gặp khó khăn do lượng khách đến chưa nhiều nên mục tiêu đón 5 triệu lượt khách của năm 2022 có thể sẽ không đạt được nếu toàn ngành không nỗ lực nhiều hơn nữa. Từ kinh nghiệm của của người làm du lịch lâu năm, ông "hiến kế’ để ngành du lịch nước nhà thu hút khách du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm 2022. Đó là toàn ngành cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Bên cạnh đó, toàn ngành cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch; tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, toàn ngành cần quan tâm đến cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho các nước. Mặc dù khách du lịch quốc tế có số lượng ít hơn khách nội địa nhưng doanh thu nhiều hơn, chiếm phần quan trọng trong toàn ngành du lịch. Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở nước ta không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp, trên 2 triệu lao động du lịch Việt Nam mà còn là của hàng triệu người dân, hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch. Do đó, toàn ngành phải có nỗ lực hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa du lịch quốc tế thực sự phục hồi, Việt Nam sớm trở thành điểm đến được du khách yêu chuộng trên thế giới…

Theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cử tri Bùi Đức Vĩnh, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang nhận định, chủ tọa đã điều hành rất khoa học, linh hoạt theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định. Việc chất vấn và trả lời chất vấn rất thành công, đạt kết quả thiết thực, cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Không khí chất vấn, tranh luận dân chủ; các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện sâu sát thực tiễn, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Quan tâm đến việc triển khai các giải pháp những giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, cử tri Hoàng Thanh Hải, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang cho biết, trước những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc triển khai các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, làm rõ nhiều vấn đề chất vấn sát thực tiễn. Đồng thời có những giải pháp phối hợp với những ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại để đưa ngành du lịch từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại.

PV TTXVN tại các địa phương
Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa
Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/8, nhiều đại biểu đề nghị đưa ra giải pháp để ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN