Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Thường xuyên rà soát để tháo gỡ “điểm nghẽn”
Trong báo cáo nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc rằng, gần 20 năm sau Thông báo Kết luận số 179-TB/TW ngày 11/11/1998 về “Phát triển du lịch trong thời kỳ mới”, việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với du lịch.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định công tác nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bám sát 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ ra, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.
Trong 5 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp hành nghiêm túc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; tuân thủ Quy chế làm việc của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ cùng các ban, bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định, cơ chế chính sách phát triển du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn”,“rào cản” để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉ đạo, tháo gỡ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”, báo cáo nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW đến toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động, các doanh nghiệp du lịch. Công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch nói riêng được Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao và các cơ quan chuyên môn của Bộ tổ chức hướng dẫn địa phương thực hiện ngay sau khi Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Ngành đã thay đổi nhận thức từ “làm du lịch” sang “quản lý nhà nước về du lịch” thông qua các công cụ pháp luật, chiến lược, kế hoạch và hoạt động điều phối, hướng dẫn.
63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW. Nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên đã xác định phương hướng, mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận, Điện Biên, Kon Tum, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang… trên cơ sở đó dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch phát triển du lịch, tổ chức thực hiện quy hoạch; thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường.
So với trước đây, hệ thống pháp luật về du lịch hiện nay có nhiều quy định đổi mới: Bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành thông qua quy định về trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành; quản lý tốt hơn dịch vụ hướng dẫn, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu về chất lượng và số lượng hướng dẫn viên du lịch.
Quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch được chú trọng thông qua việc quy định đầy đủ và rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch, giảm thiểu tình trạng chất lượng dịch vụ không tương xứng với kỳ vọng và số tiền khách phải trả, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch đã được đa dạng hóa, hình thành những trung tâm mua sắm quy mô, các chuỗi nhà hàng ăn uống, chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm và các dịch vụ du lịch khác nhằm đáp ứng nhu cầu của du khác, tăng số ngày lưu trú và mức độ chi tiêu của khách du lịch. Toàn ngành khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và đáp ứng thị hiếu của du khách.
Chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, hướng dẫn du lịch được nâng cao, thông qua việc điều chỉnh quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú, điều kiện hành nghề, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch. Doanh nghiệp du lịch được tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên cơ sở đăng ký tự nguyện sẽ tạo điều kiện để các cơ sở lưu trú du lịch được chủ động trong việc quyết định chất lượng dịch vụ của cơ sở; tạo sự chủ động về kinh phí trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, trong hai năm 2020 - 2021, đại dịch tác động nặng nề tới toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. Năm 2020, khách nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 60% so với năm 2019. Năm 2021 khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Cần thời gian dài để phục hồi, phát triển du lịch bền vững
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chính thức mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách du lịch từ ngày 15/3/2022, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19). Với sự nỗ lực, cố gắng của ngành Du lịch, sự đồng hành, ủng hộ của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và bắt đầu hồi phục.
Tuy vậy, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam còn ít, chưa được như kỳ vọng. Tính đến ngày 31/7/2022, cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến, đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Phục hồi và phát triển du lịch bền vững sau COVID-19 không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.
Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế”. Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có COVID-19, du lịch nội địa đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế).
Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường. Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số trong ngành Du lịch - nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch, trong đó có sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật, sửa đổi Luật Du lịch 2017 nếu cần thiết, tạo khung khổ cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Song song với đó, Bộ hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2022, trong đó phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, định hướng các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia; làm cơ sở cho các địa phương triển khai lập Quy hoạch các khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch; phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá. Trong đó, toàn ngành thực hiện các chiến dịch truyền thông có định hướng, kích cầu du lịch mang tính đồng bộ, quảng bá du lịch an toàn.
Ngành tiếp tục đề xuất Chính phủ về việc Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài (đây hiện là hạn chế rất lớn của Việt Nam so với Thái Lan, Singapore, Indonesia - các nước đã thành lập nhiều Văn phòng xúc tiến tại nước ngoài). Đồng thời, ngành huy động sự vào cuộc của các địa phương doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại tại nước ngoài trong những tháng cuối năm 2022 như: Tuần Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; đoàn công tác đi Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác về phát triển công nghiệp văn hóa và xúc tiến du lịch...
Ngành Du lịch sẽ cùng với các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “Mỗi địa phương - Một sản phẩm du lịch đặc sắc”; tập trung xây dựng, hoàn thành trung tâm điều hành về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyển đổi số và phát huy hiệu quả ứng dụng “Bản đồ số du lịch”.