Công văn nêu rõ, qua theo dõi nắm tình hình, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy hiện nay, có tình trạng nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe, khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng lo ngại hơn, khung biển số xe ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố cả nước và một số sàn giao dịch điện tử như Lazada, Shopee… Các khung biển số này có thể dễ dàng lắp ráp vào biển số xe do cơ quan chức năng cấp.
Do các phương tiện giao thông có phạm vi lưu thông rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển đảo, về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang thực hiện các biện pháp chỉ đạo báo chí, định hướng dư luận đấu tranh với hiện tượng nêu trên.
Tuy nhiên, để xử lý tận gốc tình trạng này, căn cứ Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin và đề nghị các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Công Thương Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý các hành vi vi phạm nêu trên theo thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong nhận được thông tin về biện pháp và kết quả xử lý của các bộ để phục vụ công tác tuyên truyền về chủ quyền, biên giới quốc gia.