Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Nguyễn Thành Sinh khẳng định: Suốt chặng đường 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, mặc dù xuất phát điểm thấp, cùng với khó khăn vốn có của một huyện miền núi, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, phấn đấu xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Kinh tế của huyện luôn đạt mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 12,04%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm; tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 34,9% còn 20,8%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng lên 52%; thương mại - dịch vụ 27%. Đến nay, huyện Văn Bàn có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển đạt kết quả khá, với tổng nguồn vốn đạt gần 10 nghìn tỷ đồng trong cả giai đoạn, cao gấp 1,8 lần so với giai đoạn trước. Công tác giảm nghèo đạt kết quả đáng khích lệ, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,5%, bình quân mỗi năm giảm hơn 5% số hộ nghèo. Công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong chúc mừng và ghi nhận những thành thành tựu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc của huyện Văn Bàn đã đạt được trong 70 năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho rằng, huyện Văn Bàn cần tiếp tục phát huy tốt những kết quả đã đạt được, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, chính trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân; triển khai hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, giai đoạn tới, huyện Văn Bàn cần tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, vượt qua mọi thử thách để tiếp tục xây dựng, phát triển huyện Văn Bàn theo kịp các địa phương khác của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XXI đã xác định 19 chỉ tiêu lớn, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và lựa chọn 2 lĩnh vực đột phá.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng 8 đề án, 4 nghị quyết, 5 kế hoạch trọng tâm, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn; khai thác tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.
Huyện tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế tài nguyên rừng để phát triển kinh tế. Địa phương tập trung chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy giá trị của các khu di tích văn hóa, lịch sử.
Văn Bàn chú trọng nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...