Xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng “dẫn dắt, lan tỏa và đầu tàu”

Sáng 16/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với thành phố Hà Nội về phát triển tổng thể nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị, trong thời gian tới Hà Nội cần đưa ra nhiều nhóm giải pháp quyết liệt hơn và thực sự tạo được sự đột phá, trên tinh thần xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng “dẫn dắt, lan tỏa và đầu tàu”.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, nông nghiệp Hà Nội phát triển rất nhanh, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh thì còn thấp. Nông dân mới chỉ sản xuất sản phẩm đáp ứng cho 60% thị trường, giá trị sản xuất, xuất khẩu chưa cao, chủ yếu thị trường nội địa.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu quyết tâm Hà Nội sẽ tập trung cho hàng hóa có chất lượng, hướng mạnh tới thị trường xuất khẩu và coi đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định thành công hay thất bại trong sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc ô nhiễm môi trường không khí và các dòng sông; ô nhiễm rác thải, bụi. Thành phố đang tìm các giải pháp và đầu tư nguồn lực để làm sống dậy các dòng sông lớn, giúp việc lưu thông dòng nước, thau rửa ô nhiễm tốt hơn.

Đối với ô nhiễm không khí, thành phố đang xây dựng để trình HĐND thành phố thông qua việc hạn chế phương tiện cá nhân vì hiện nay đô thị không thể đáp ứng được trước sự gia tăng nhanh xe cộ, như năm 2016 tăng 23% lượng ô tô, 8% xe máy.

Song hành đó, thành phố phải phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, dự kiến đưa vào 53 tuyến xe buýt thường, 8 tuyến xe buýt nhanh BRT và 9 tuyến tàu điện ngầm…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Hà Nội là địa bàn lớn về nông nghiệp không chỉ của miền Bắc mà là của cả nước. Đây là địa bàn có tính đặc thù cao và rất riêng biệt, vừa là Thủ đô trung tâm về nhiều mặt, nhưng lại có nền nông nghiệp lớn, với 70% dân số nông thôn và 2/3 diện tích làm nông nghiệp.

Hà Nội có tổng đàn lợn 1,6 triệu con chiếm 5% và đàn gà chiếm 10% tổng đàn cả nước. Thành phố có 5 con sông lớn chảy qua với trên 600 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt. Vì vậy, nông nghiệp của Hà Nội luôn đóng vai trò rất quan trọng và thời gian qua thành phố đã đạt được nhiều thành quả rõ nét, tích cực và đi đầu trong nhiều phong trào.

Bộ trưởng cho rằng, nhờ sự tập trung chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, nên 5 năm qua thành phố đã đầu tư 72.000 tỷ đồng cho việc xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân được nâng cao.

Hà Nội cũng là địa bàn có nhiều lợi thế trong thu hút nhân lực, đầu tư ngân sách nhà nước, ngân sách xã hội, nguồn lực nhân dân. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý thành phố cần xác định được đây là địa bàn có lượng tiêu thụ rất lớn với 10 triệu dân và hàng triệu người vãng lai, nên đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế những sản phẩm, cây con đặc sản thế mạnh, để biến những thách thức thành lợi thế. Chẳng hạn, cần phân định phát triển thành 3 vùng, gồm đồng bằng, vùng trũng và gò đồi. Đối với vùng gò đồi cần phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi, thế mạnh của địa phương….
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển nông nghiệp Thủ đô là tập trung vào lĩnh vực chế biến sản phẩm, lưu thông hàng hóa qua các trung tâm mua bán, thương mại, chợ đầu mối, hộ gia đình chế biến… Việc chế biến có chất lượng và lưu thông tốt sẽ giúp cho sản phẩm an toàn, giá thành tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, Hà Nội còn hạn chế trong việc mở rộng thông tin, để các nhà đầu tư biết những lĩnh vực đang cần thiết nhằm đầu tư nhiều chiều, đưa sản phẩm từ Hà Nội đến các vùng và ngược lại. Đặc biệt, thành phố có nguồn đất hạn hẹp nên phát triển nông nghiệp phải theo hướng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội có rất nhiều mặt thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, vì là Thủ đô trung tâm về nhiều mặt, được trung ương và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, thành phố cũng đã xác định được các khó khăn, đặc thù riêng và đã xây dựng được chiến lược để phát triển đúng hướng, trong đó phát triển sản phẩm có lựa chọn.

Trồng trọt chọn trồng lúa chất lượng cao, hoa và cây ăn quả. Xây dựng các nông trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật. Trong giết mổ, chế biến, gia tăng các chuỗi chế biến, đóng gói làm hấp dẫn sản phẩm.

Đối với 1.358 làng nghề chú trọng sản phẩm chất lượng, thiết kế đổi mới, mẫu mã đẹp phục vụ xuất khẩu và khách du lịch. Các hợp tác xã kiểu mới chú trọng làm khâu dịch vụ thương mại, thủy lợi, nước sạch. Đặc biệt, Hà Nội sẽ đề xuất xây dựng chợ đầu mối quy mô lớn để lưu chuyển hàng hóa tốt hơn cho cả vùng.

Đối với lĩnh vực đê kè, thủy lợi, giao thông, ông Nguyễn Đức Chung đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thành phố triển khai việc xây cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên. Thành phố đã nghiên cứu kỹ về nhiều mặt như tác động nguồn nước lũ, bố trí hợp lý phương án giao thông ở nút giao quan trọng này.

Theo phương án thì thành phố chỉ xin hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng, kéo dài từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương để đi lại thuận tiện và thay thế nền đất bằng bê tông vẫn đảm bảo độ an toàn, vì nền đất ngoài đê rất chắc do hệ thống nhà cửa của người dân đã hình thành từ lâu.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới thành phố cho biết, thời gian qua Hà Nội đã làm được khối lượng công việc rất lớn cơ bản đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có 3 nội dung năm 2017 Hà Nội tập trung làm, đó là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển hợp tác xã kiểu mới và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến, thương mại theo chuỗi sản phẩm.

Thành phố tập trung xây dựng mỗi huyện có một điểm ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt xây dựng 100 ha trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Cổ Loa – Đông Anh, vừa thu lợi kinh tế và còn phục vụ khách du lịch khi đến Hà Nội.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Ưu tiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Ưu tiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Sở hữu hơn 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng thế mạnh thuộc nhóm nông sản xuất khẩu chính của cả nước như cao su, cà phê, tiêu…, tỉnh Gia Lai đang là địa phương có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN