Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, khiến hàng triệu lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sâu; thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối ngân sách nhà nước năm 2020. Tổng cục đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Năm 2020, số thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý đạt gần 1,28 triệu tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán, vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. So với dự toán, có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Tính đến ngày 31/12/2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 83.979 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỷ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỷ đồng, bằng 17,6% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 2.248 tỷ đồng, giảm lỗ là 49.760 tỷ đồng, bằng 119,6% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.435 tỷ đồng.
Tổng số tiền nợ thuế mà ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4%.
Việc công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã và đang được toàn ngành thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức. Tổng cục đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối và hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (vượt 61% so với kế hoạch) với số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái là trên 16,3 triệu hồ sơ. Tổng số thủ tục hành chính thuế cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, 4 là 194/304 thủ tục hành chính thuế.
Trong năm 2020, đã có 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, số lượng hồ sơ đã tiếp nhận hơn 13,5 triệu hồ sơ. Cơ quan thuế cũng đã hoàn thành việc kết nối với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt 98,7%.
Biểu dương những kết quả đạt được của gần 4 vạn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế trong năm qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, mặc dù trong bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn trong năm 2020, nhưng thu ngân sách của ngành thuế vẫn vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao, đây là nỗ lực rất lớn của ngành Thuế, góp phần cơ bản bảo đảm số thu chung của toàn ngành tài chính, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Ngành Thuế đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ, ngành Thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới. Mặc dù chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển.
"Vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Đề nghị ngành Thuế có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng. Không để tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’, quyết tâm phòng, chống ‘virus trì trệ”.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01, 02 Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao. Ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4.
“Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ... Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ "liêm chính, chí công vô tư”, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật đúng pháp luật, quy định của ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Cùng với đó, kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.
Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế; tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế.