Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT trong những năm gần đây phát triển mạnh. Một số tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho các trang mạng xã hội xuyên biên giới có thu nhập “khủng” đã kê khai và nộp thuế. Mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook…cũng đã được cơ quan thuế quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh thông qua các đối tác, đại lý quảng cáo của các công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp tại Việt Nam.
Số thuế được người nộp thuế kê khai từ hoạt động TMĐT ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2016, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài số chi phí quảng cáo trên mạng với tổng số thuế là 46,86 tỷ đồng; năm 2017 số thuế tăng lên 90,48 tỷ đồng; năm 2018 tổng số thuế là 151,77 tỷ đồng; năm 2019 tổng số thuế đã lên tới 1.010 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2020, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài trên số chi phí quảng cáo trên mạng với tổng số thuế hơn 745,6 tỷ đồng.
Trong 8 tháng năm 2020, cơ quan Thuế xác định có 5.000 tỷ đồng doanh thu từ các hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Chủ yếu qua 3 nhóm gồm bán hàng thông qua mạng xã hội; thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, YouTube...; các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Hoạt động kinh doanh TMĐT diễn ra chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nên Tổng cục Thuế đã chỉ đạo 2 cục thuế này tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…); tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
“Qua rà soát, tại TP Hồ Chí Minh có 15.528 tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng trên mạng. Tại Hà Nội, từ năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng, đến thời điểm hiện tại, có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. Đối với tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài như: Google, Facebook, Youtube..., theo dữ liệu của các NHTM, số lượng tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng là 18.304 tổ chức, cá nhân với tổng số thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube hơn 1.462 tỷ đồng”, ông Vũ Mạnh Cường nói.
Tổng cục Thuế đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thu thập dữ liệu đối với các tài khoản có giao dịch xuyên biên giới; đồng thời, đào tạo cho lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong toàn ngành về công tác chống chuyển giá. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tập trung hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại Tổng cục Thuế thực hiện giám sát bằng phương thức điện tử về công tác thanh tra đối với 63 cục thuế.