Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) năm 2023 đạt mức tăng trưởng 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 77,2 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 5.768 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 17.500 tỷ đồng…
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các cấp, ngành, địa phương của tỉnh chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, “không để dịch chồng dịch”; tuyệt đối không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế.
Về phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững, chất lượng, hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Song song đó, các cấp, ngành tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng thêm nguồn lực cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu tăng thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, tập trung ưu tiên chi đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Trong năm, các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông, trong đó phấn đấu hoàn thành thủ tục đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng cầu Đình Khao; hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về chương trình trọng tâm quý I/2023, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023 với tinh thần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường.
Kết quả năm 2022, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu nghị quyết. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP tăng 11,28% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng, tăng 15,4 triệu đồng so năm 2021. Thu ngân sách vượt 3,4% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,5% so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 38% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh hoàn thành việc cất mới, sửa chữa 526 căn nhà ở cho gia đình người có công với nước, 2.221 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.