Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng, biểu dương toàn thể các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới dự buổi lễ.
Việc lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2008, nhằm khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi các giá trị của chương trình là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được vinh danh hầu hết đều là những cái tên quen thuộc với các sản phẩm - dịch vụ được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Sữa TH True Milk, Vinamilk, Nước giải khát Tân Hiệp Phát, May 10, May Nhà Bè, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro, Văn phòng phẩm Hồng Hà, Bia Hà Nội, Gốm sứ Minh Long, Ngân hàng Quân đội, Trang sức PNJ, Ắc quy Đồng Nai, Nhựa Tiền Phong, Yến sào Khánh Hòa, Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình...
Tại lễ vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết: "Vietnam Value" - giá trị của thương hiệu Việt Nam nằm ở chính các thương hiệu sản phẩm, ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Trải qua 6 kỳ bình chọn (2 năm/lần), các doanh nghiệp đã chứng tỏ sự ổn định, nhất quán trong thương hiệu sản phẩm của mình.
"Trong số 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia 2018 thì có tới 20 doanh nghiệp trải qua 6 kỳ liên tiếp đều được bình chọn. 24 doanh nghiệp mới đã ra nhập danh mục các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Điều đó cho thấy có sự ổn định và lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về chương trình này", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng người tiêu dùng có quyền đòi hỏi hàng Việt chất lượng cao. Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã đến lúc phải chuyển thành hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và thế giới, dựa trên giá trị cơ bản của thương hiệu Việt Nam.
Trước buổi lễ vinh danh tại Nhà hát Lớn, chiều cùng ngày, 97 doanh nghiệp đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chính phủ.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, ngày 25/11/2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Ban Tổ chức cho biết, trong năm 2018 có 1.500 doanh nghiệp trực tiếp đăng ký hoặc được các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng… giới thiệu tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia. Qua sàng lọc, Ban tổ chức đã lựa chọn 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (tăng 9 doanh nghiệp so với năm 2016).
Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia có đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc dân. Theo số liệu báo cáo, tổng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này đạt hơn 924.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 5,7 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách hơn 63 nghìn tỷ đồng.