Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa OSCE và HĐBA

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 6/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp nghe báo cáo về hoạt động của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Chú thích ảnh
Các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát việc rút quân của các lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề về châu Âu của Albania, Chủ tịch OSCE 2020, Edi Rama đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp. 

Chủ tịch OSCE khẳng định OSCE và LHQ là các đối tác đương nhiên của nhau và 3 nội dung ưu tiên của tổ chức này trong năm 2020 gồm  thúc đẩy giải quyết xung đột trên thực địa, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Moldova, Gruzia và khu vực Nagorno - Karabakh; thực hiện các cam kết của OSCE nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong tiến trình hòa bình và an ninh cũng như chống tham nhũng, chống khủng bố, buôn lậu và phổ biến vũ khí; và thiết lập sự ổn định trong khu vực thông qua đối thoại của OSCE với người dân, tổ chức xã hội dân sự nhằm bảo đảm nhân quyền, quyền của các nhóm thiểu số, chống buôn người, tình trạng phân biệt đối xử và sự phổ biến các phát ngôn thù địch.

Các nước thành viên của HĐBA phát biểu ủng hộ sự hợp tác với OSCE, ủng hộ vai trò của tổ chức này trong thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo trên thực địa tại các điểm nóng có xung đột ở châu Âu, đặc biệt là vai trò hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các Thỏa thuận Minsk trong vấn đề Ukraine.

Các nước cũng nhấn mạnh các lĩnh vực cần ưu tiên hợp tác như bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền con người, tuân thủ pháp luật, bảo vệ thường dân trong khu vực xung đột, chống buôn người và khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã hoan nghênh những hoạt động hỗ trợ nhân đạo, trung gian, hòa giải và thúc đẩy tiến trình hòa bình của OSCE tại các điểm nóng ở châu Âu cũng như ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa OSCE và HĐBA phù hợp với Chương VIII trong Hiến chương LHQ.

Đại sứ nhấn mạnh hoạt động của các tổ chức khu vực phải tuân thủ Hiến Chương LHQ và ủng hộ vai trò của OSCE trong giám sát và hỗ trợ thực hiện các thoả thuận Minsk, nhắc lại nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, trước đây là Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) được thành lập vào năm 1975 và có tên gọi và phương thức hoạt động như hiện nay kể từ năm 1994. OSCE gồm 57 quốc gia thành viên thuộc các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á, trong đó có 4 trong số 5 thành viên thường trực của HĐBA (Anh, Mỹ, Nga, Pháp).

Hải Vân (TTXVN)
OSCE xác nhận việc các bên hoàn tất rút quân tại miền Đông Ukraine
OSCE xác nhận việc các bên hoàn tất rút quân tại miền Đông Ukraine

Ngày 12/11, Phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã xác nhận việc các bên hoàn tất rút quân theo thỏa thuận tại ba khu vực giới tuyến ở miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN