Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA: Bài 1-Nhịp cầu kết nối nghị viện và nhân dân ASEAN 

Hơn 40 năm là chặng đường đủ dài để nhìn lại những bước phát triển và nỗ lực vươn lên của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện với tiến trình hội nhập của các quốc gia Đông Nam Á.

Đây cũng là một trong những hình mẫu tiêu biểu của liên kết nghị viện khu vực ở châu Á, biểu tượng tự hào cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và thống nhất trong đa dạng của Cộng đồng ASEAN.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 phát biểu tại phiên đối thoại của Lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN, ngày 26/6/2020. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Nhịp cầu kết nối nghị viện và nhân dân ASEAN 

Từ 5 nước thành viên sáng lập ban đầu, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) đã không ngừng lớn mạnh với việc kết nạp thêm thành viên. Thông qua các hoạt động của AIPO, nghị viện và nghị sĩ các nước trong khu vực càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, trở nên thân thiện và tin cậy lẫn nhau. Năm 2006, trong xu thế hội nhập khu vực phát triển mạnh mẽ, AIPO đã đổi tên thành Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Thúc đẩy đoàn kết, hợp tác cùng phát triển

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Anh Dũng, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) được thành lập ngày 2/9/1977, tại Manila, Philippines. Đây là dấu mốc về kết quả hợp tác của 5 thành viên ban đầu của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Các Chủ tịch 5 nước sáng lập viên của AIPO đã ra tuyên bố thành lập Tổ chức liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là AIPO, ký Tuyên bố chung và bản Điều lệ đầu tiên của tổ chức.

Là người trực tiếp chứng kiến việc Việt Nam gia nhập AIPO, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Anh Dũng cho biết, tại thời điểm đó, các nhà lập pháp ASEAN nhận thức rằng, ASEAN đang phát triển mạnh mẽ và cần có sự ủng hộ của các cơ quan đại diện cho nhân dân là các nhà lập pháp ASEAN, qua đó tăng cường đoàn kết, hội nhập, hợp tác cùng phát triển. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, AIPO được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân các nước trong khu vực, nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đề cao tinh thần hữu nghị, giữ gìn đoàn kết, thống nhất giữa các quốc gia thành viên - thống nhất trong đa dạng. 

Trong quá trình phát triển đi lên, AIPO cũng không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của mình để đóng góp thiết thực vào tiến trình hợp tác, liên kết khu vực. AIPO đã đổi tên thành Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) vào năm 2007 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều lệ nhằm xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng để cơ quan này có thể đưa ra sáng kiến và quyết định về chính sách lập pháp chung; xác định rõ hơn vai trò của Ban Chấp hành trong việc chuẩn bị các vấn đề trình ra Đại hội đồng; kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký AIPA với việc bổ nhiệm Tổng Thư ký nhiệm kỳ 3 năm và Ban Thư ký chuyên trách có trụ sở tại Jakarta để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của AIPA được đồng bộ và chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, AIPA tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết đã được ban hành với việc định ra cơ chế báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình thực hiện nghị quyết lên Đại hội đồng AIPA.

Đánh giá về vai trò, hiệu quả hoạt động của AIPA, nhất là giai đoạn 10 năm trở lại đây, trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên nhằm đạt được những mục tiêu và khát vọng của ASEAN, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 cho rằng, 3 trụ cột bao gồm (Cộng đồng An ninh - Chính trị; Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội) đã bao quát toàn diện, nói lên khát vọng của Cộng đồng ASEAN. Trong suốt quá trình hoạt động vừa qua, các hoạt động năm AIPA luôn gắn với chương trình nghị sự của năm ASEAN.

Những vấn đề của Cộng đồng An ninh - Chính trị, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội được các hội nghị của ASEAN, nhất là Hội nghị cấp cao của ASEAN thống nhất, trở thành Tuyên bố chung của Chủ tịch ASEAN, các hoạt động AIPA cũng dựa trên tinh thần đó. Nghị viện của từng nước ASEAN luôn đồng hành với Chính phủ để tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Tuyên bố ASEAN đã thông qua. Các nghị viện thành viên AIPA còn đồng hành với ASEAN ở một lăng kính khác, đó là với vai trò cơ quan lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tất nhiên, sự đồng hành của AIPA, của nghị viện các nước thành viên với ASEAN, Chính phủ từng nước, không máy móc, rập khuôn nhưng phải thực hiện bằng được.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, hoạt động của AIPA cũng có nhân tố riêng và có nhân tố rất mạnh mẽ. Điển hình, từ ngày thành lập Diễn đàn Nữ nghị sỹ AIPA, vai trò hoạt động của nữ nghị sỹ trong AIPA rất quan trọng. Các nữ nghị sỹ AIPA đã đóng góp tích cực khi tham gia các hoạt động của AIPA, đóng góp tiếng nói mạnh mẽ, sắc sảo về rất nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt bảo đảm bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em, tham gia vào chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, đứng đầu các doanh nghiệp… 

Sự ra đời và phát triển của AIPO đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự đoàn kết, hiểu biết, hợp tác và quan hệ gần gũi giữa các nước trong khu vực, cũng như nâng cao hình ảnh và uy tín của AIPA trên trường quốc tế. Mục tiêu xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển luôn là nhu cầu khách quan của các nước. Cùng với ASEAN, AIPA đã phát huy vai trò của mình trong việc tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước; hỗ trợ tích cực chính phủ các nước thực hiện hiệu quả hoạt động hợp tác liên quốc gia; khuyến khích giữ gìn bản sắc dân tộc; hỗ trợ tăng cường năng lực hoạt động của nghị viện các nước thành viên. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp, AIPA đang cùng các nước trong khu vực quan tâm và hợp tác ứng phó trước những thách thức lớn như giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phát triển bền vững; vấn đề an ninh khu vực; thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước; bảo đảm môi trường bền vững, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…

Tăng cường hội nhập ASEAN

Qua các kỳ Đại hội đồng, AIPA đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm chung của các nước ASEAN, trước hết về chính trị, an ninh và xây dựng lòng tin. Phạm vi vấn đề AIPA quan tâm thúc đẩy đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa và sự tác động của toàn cầu hóa tới ASEAN đến bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực, tăng cường năng lực lập pháp và quản trị.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 chủ trì Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại nhiều kỳ họp, AIPA đã bàn về tiến trình hội nhập khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giữa các thể chế liên chính phủ và liên nghị viện khu vực; hòa bình thế giới hiện nay; vai trò của Liên hợp quốc trong việc giữ gìn hòa bình thế giới và luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, AIPA đã tích cực, chủ động ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự tham gia của các nghị viện trong khu vực Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị trong khu vực. Nghị viện các nước thành viên AIPA có vai trò quan trọng trong khuôn khổ cơ chế hợp tác chung của ASEAN để cùng xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.

Trong lĩnh vực kinh tế, phạm vi các vấn đề mà AIPA tập trung thảo luận là vấn đề thuộc mối quan tâm của ASEAN. Các Đại hội đồng AIPA thảo luận vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các nước khác. AIPA đã thông qua các nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với khu vực khác.

Đối với việc thực thi cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2015, AIPA và các nghị viện thành viên ủng hộ thực hiện Kế hoạch hành động tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); đề nghị ASEAN tiến hành đánh giá định kỳ các kết quả thực hiện cam kết trong AEC phù hợp với Tầm nhìn AEC 2025.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua năm 2015, các nghị sĩ AIPA quan tâm tới việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực, khẳng định các nước thành viên ASEAN cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng về chất lượng, trong đó tăng trưởng kinh tế cần gắn liền với sự phát triển bền vững của các tài nguyên thiên nhiên, giảm thấp nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

AIPA thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm và giải quyết vấn đề xã hội thông qua cơ chế trao đổi chuyên sâu và các cuộc họp của ủy ban chuyên đề về vấn đề xã hội, trong đó có hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế; nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN; bảo vệ quyền trẻ em, môi trường, lao động, nhập cư, xóa đói nghèo và vấn đề ma túy. AIPA cho rằng, để đạt được một trong những mục tiêu của ASEAN như trong Tuyên bố ASEAN năm 1967 cần thúc đẩy phát triển xã hội tại các nước thành viên.

AIPA đã góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành viên trong thực hiện giải pháp xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bảo vệ quyền của người lao động di cư, tăng cường trao đổi về giáo dục, dạy nghề; ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em, phòng, chống buôn bán trái phép và sử dụng ma túy, ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của các bệnh dịch, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch trong ASEAN. AIPA cũng thúc đẩy tăng cường vai trò của phụ nữ trong ASEAN ở mọi lĩnh vực và cấp độ.

Với vai trò của tổ chức Liên nghị viện khu vực, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ASEAN, AIPA đã không ngừng củng cố hoạt động, nâng cao vai trò và thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên và với ASEAN; hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đến nay, AIPA đã từng bước xây nên những nhịp cầu hữu nghị, kết nối nghị viện và nhân dân ASEAN, cùng đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, đoàn kết và thịnh vượng.

Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO vào năm 1995. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trong khu vực. Là thành viên của AIPO (nay là AIPA), Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện, tích cực đóng góp tại các kỳ họp của AIPA, cũng như đã tổ chức thành công kỳ họp AIPA 23 (năm 2002), AIPA 31 (năm 2010) và các hội nghị chuyên đề, hội nghị cấp ủy ban, được các nghị viện thành viên đánh giá cao.

Bài 2: Quốc hội Việt Nam chủ động đóng góp vào sự lớn mạnh của AIPA

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA - Bài 4: Đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững
Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA - Bài 4: Đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững

Đại hội đồng AIPA 40 diễn ra vào tháng 8/2019 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan với chủ đề “Đối tác Nghị viện vì sự tiến bộ vì cộng đồng bền vững”. Lãnh đạo các thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung, cam kết thực hiện nghiêm túc 29 Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng lần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN