Bày tỏ vui mừng gặp mặt Đại sứ Johan Ndisi, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với bề dày lịch sử 55 năm. Thụy Điển cũng là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/1/1969 khi Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập, thống nhất đất nước.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhớ và cảm ơn tình cảm, sự ủng hộ quan trọng của Thụy Điển dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Thụy Điển là nước bắc Âu có viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ rất sớm (khoảng 3 tỷ USD). Một số công trình biểu tượng do Thụy Điển giúp đỡ Việt Nam xây dựng như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí… đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trong hơn nửa thế kỷ qua, hai nước đã tích cực xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, tốt đẹp, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực.
Tiêu biểu, lĩnh vực thương mại song phương đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Thụy Điển cũng là nước có đầu tư cao ở Việt Nam với khoảng 111 dự án, tương đương 743 triệu USD.
Cùng với đó, hai nước ký kết nhiều hợp tác song phương và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Quan hệ thương mại giữa hai bên càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Cho rằng còn nhiều dư địa phát triển trong quan hệ hai nước, Phó Chủ tịch nước mong muốn, hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, tích cực trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao, hợp tác giữa các doanh nghiệp để hai bên có cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hai nước tích cực rà soát lại các khuôn khổ, hiệp định ký kết trước đây để bổ sung, hoàn thiện phù hợp với giai đoạn mới.
Song song với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Phó Chủ tịch nước mong muốn, Đại sứ Johan Ndisi quan tâm đến các lĩnh vực có bề dày hợp tác giữa hai bên như giáo dục, khoa học công nghệ, nông nghiệp; đồng thời tích cực kết nối trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.
Đất nước với hơn 100 triệu dân, địa hình luôn ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, Việt Nam rất cần các công nghệ mới, nhất là về kinh tế tuần hoàn, nhằm tiết kiệm tài nguyên và phát triển đất nước bền vững, song song với bảo vệ môi trường tốt hơn. Phó Chủ tịch nước mong muốn, Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững cho Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam để Đại sứ phát huy tối đa năng lực, tình cảm đối với mối quan hệ hai nước, gắn bó hơn quan hệ Việt Nam - Thụy Điển.
Cảm ơn Phó Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, Đại sứ Johan Ndisi chia sẻ, Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó khăng khít trên tất cả các lĩnh vực trong suốt hơn 55 năm qua.
Nhấn mạnh hai nước có tiềm năng lớn để thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn diện, ông Johan Ndisi đề xuất, hai nước cần thúc đẩy hợp tác trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Thụy Điển cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về đổi mới sáng tạo.
Theo Đại sứ Johan Ndisi, cộng đồng doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam mong muốn duy trì quan hệ hợp tác và đầu tư kinh doanh tại đây. Rất nhiều công ty Thụy Điển đã và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Các công ty mới cũng đang tiếp cận thị trường năng động của Việt Nam; sẵn sàng hỗ trợ các giải pháp về cơ sở hạ tầng nói riêng và giao thông nói chung.