Cần chuyển đổi theo xu hướng toàn cầu
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu của TP là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030; qua đó, không chỉ duy trì sự đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, mà còn củng cố vị thế dẫn đầu trong cả nước và khu vực, duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
"Hiện nay, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Trong đó, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Vì vậy, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này. Cụ thể, TP đã áp dụng một chiến lược kép để phát triển ngành công nghiệp kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong đó, ngành công nghiệp cần đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị cho sản phẩm", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi mang tính thời đại, điển hình là cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bứt phá, nhưng cũng đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ. Phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các công nghệ mới làm thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp là giải pháp then chốt giúp các quốc gia, tạo ra sự phát triển bứt phá, vươn lên.
Trong khi đó, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp của TP đã chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao từ khá sớm. Cụ thể, từ năm 2000, TP Hồ Chí Minh đã có sự dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và sử dụng nhiều lao động; nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, có khu công nghiệp công nghệ cao... tuy nhiên, việc chuyển đổi sang công nghiệp xanh hiện mới chỉ có những mô hình ban đầu.
"Phát triển kinh tế tuần hoàn còn nhiều vướng mắc, đang định hình đường hướng phát triển, năng lực cạnh tranh khiêm tốn, thiếu doanh nghiệp dẫn đầu. Các ngành công nghiệp còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động nhiều và đã đạt giới hạn, chi phí thuê đất công nghiệp cao. Chưa kể gần đây, nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu chững lại khi đóng góp đang sụt giảm. Cụ thể, năm 2023, giá trị gia tăng của TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 12 tỷ USD và chiếm 19% GDP của TP, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%. Do đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi theo xu hướng xanh, bền vững hiện nay là cấp thiết", ông Phạm Bình An nhận định.
Đưa TP Hồ Chí Minh tiên phong phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng các mô hình, phương thức hợp tác để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần phải tiên phong trong chuyển đổi công nghiệp, đưa ngành công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của TP trong giai đoạn mới. Khi TP Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn, tạo ra nhiều giá trị kinh tế cao hơn.
Còn theo ông Phạm Bình An, để chuyển đổi công nghiệp công nghệ cao theo xu hướng của thế giới, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp như đầu tư trang thiết bị, ưu tiên chính sách vốn, thuế, cho thuê đất… Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030 để nâng cao năng suất lao động, tự động hóa ngành công nghiệp...
"Tuy nhiên, muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài quyết tâm của lãnh đạo Thành phố, cần có chiến lược bài bản, khả năng quản trị thực thi cao cùng hành lang pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Với cách tiếp cận linh hoạt và quyết liệt của TP Hồ Chí Minh cùng sự thích ứng với từng ngành, từng lĩnh vực và từng loại hình với trình độ phát triển khác nhau, ngành công nghiệp chắc chắn sẽ phát triển theo định hướng", ông Phạm Bình An đề xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm khi chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao, bà Kiva Allgood, Giám đốc Trung tâm sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, các xu thế chủ đạo chuyển đổi công nghiệp trên thế giới chịu tác động của việc xuất hiện liên tục các công nghệ mới. Sản xuất công nghiệp có sự thay đổi sâu sắc do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bền vững ngày càng cao. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khoá mới cho công nghiệp sau thời kỳ tự động hoá, robotics. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung muốn phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao cần quan tâm đến công nghệ AI, quan tâm đến đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao… Một khi chuyển đổi ngành công nghiệp thành công thì nền kinh tế cũng sẽ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững hơn.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các xu hướng lớn đang thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra những thách thức nhưng cũng mang lại những cơ hội đáng kinh ngạc cho TP Hồ Chí Minh và Việt Nam. Với vị trí rất chiến lược và cơ sở sản xuất đã được thiết lập, đây là thời điểm để TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, tiếp tục phát triển, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cùng với sự ra đời của Trung tâm cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Khu công nghệ cao ở thành phố Thủ Đức, Chính phủ, các chuyên gia và ngành công nghiệp hãy cùng nhau nắm bắt thời điểm này, cùng định hình tương lai của ngành sản xuất công nghiệp hiện đại của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo Thủ tướng, Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia và thứ 19 trên thế giới. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm C4IR thể hiện vai trò tiên phong của TP Hồ Chí Minh, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào cách mạng công nghiệp 4.0.
“Để trung tâm hoạt động thiết thực, hiệu quả, phát huy được vai trò của mình, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành là phải định hướng, xây dựng thể chế và có chính sách ưu tiên phát triển phù hợp. Còn TP Hồ Chí Minh quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động cho trung tâm nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển. Các doanh nghiệp, các nhà sáng lập hỗ trợ về nguồn lực tài chính, hạ tầng, nhân lực, quản trị. Trung tâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, chủ động, tích cực hoạt động có hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.