Cuộc họp có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, 3 Bộ trưởng (Tunisia, Estonia, Đức), 4 Thứ trưởng (Estonia, Đức, Nga, Việt Nam) và các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên Hội đồng Bảo an, cùng một số khách mời đại diện các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, tổ chức khu vực và học viện nghiên cứu liên quan.
Tại cuộc họp, Phó Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh hiện hữu, đảo ngược các thành quả kinh kế-xã hội toàn cầu, gây phương hại đến các nỗ lực phát triển bền vững. Xung đột, bạo lực vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là khi được cộng hưởng bởi các thách thức nổi trội và đan xen như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Phó Tổng Thư ký cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động cấp bách để thích nghi với tình hình mới và khôi phục động lực phát triển. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên cần củng cố năng lực thể chế và hệ thống pháp quyền, quản trị tốt, tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ. Mỗi khu vực cần tăng cường phối hợp, nâng cao năng lực cảnh báo sớm các dấu hiệu của xung đột. Đặc biệt, Liên hợp quốc cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong điều phối các nỗ lực ứng phó với thách thức chung, ngăn ngừa xung đột, hỗ trợ các nước giải quyết khủng hoảng và phát triển bền vững giai đoạn hậu xung đột. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc Munir Akram cho rằng bất bình đẳng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới xung đột; trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ về kinh tế như các chính sách giãn nợ hay giảm nợ cho các nước đang phát triển và kém phát triển là rất cần thiết.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhận định: Sau 75 năm, kể từ khi Liên hợp quốc ra đời, cộng đồng quốc tế vẫn phải đương đầu với những thách thức và đe doạ to lớn. Đó là sự thiếu tôn trọng, vi phạm các nguyên tắc cơ bản đã được đề cao tại Hiến chương Liên hợp quốc và trong Nghị quyết số 2625 (năm 1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về "Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia thành viên trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc", nhất là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp. Đây là những nguyên nhân dẫn tới căng thẳng, đối đầu và xung đột, thể hiện rõ nét qua sự áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, những diễn biến phức tạp về chạy đua vũ trang, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân, cũng như những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nhất là trong bối cảnh biển và đại dương có vai trò ngày càng quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển quốc tế. Đại dịch COVID-19 cũng là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống hết sức nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng cần xây dựng các mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và văn hóa tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Theo đó, các nước trong xung đột, tranh chấp cần thực thi lệnh ngừng bắn toàn cầu như Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, hành xử kiềm chế để giảm căng thẳng và tiếp tục đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân ở những khu vực bị xung đột tàn phá nặng nề.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng cần đề cao chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích và hành vi của các quốc gia và thúc đẩy quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực. Trong đó, Hội đồng Bảo an cần thống nhất trong quá trình ra quyết định, phát huy các công cụ sẵn có về ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải, tăng cường hiệu quả của các hoạt động gìn giữ, xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an cần chú trọng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và mất an ninh, bao gồm việc tham gia vào tất cả các giai đoạn của xung đột từ ngăn ngừa, cảnh báo sớm đến đề xuất giải pháp, từ phục hồi đến phát triển bền vững hậu xung đột. Cộng đồng quốc tế cũng cần nỗ lực đẩy nhanh phục hồi và tăng trưởng kinh tế, lấy con người làm trung tâm và thúc đẩy hợp tác, phát triển và quản trị toàn cầu nhằm kịp thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ cho các chủ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch là các nước đang phát triển, đồng thời quan tâm thỏa đáng đến việc bảo vệ người dân, giải quyết hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam đã vượt qua những hậu quả của chiến tranh, sự kém phát triển, đói nghèo, vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Cùng với các nước thành viên ASEAN khác, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, chia sẻ và hợp tác, một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng, cũng như một môi trường khu vực thuận lợi cho hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng. Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ là đối tác tin cậy vì hòa bình và phát triển bền vững, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức của thời đại.