Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế đảm bảo tương lai an toàn cho trẻ em

Ngày 27/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức Phiên thảo luận mở về chủ đề bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang dưới sự chủ trì của Hàn Quốc - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng này.

Chú thích ảnh
Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA. Ảnh: Thanh Tuấn/Phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tham dự và phát biểu tại phiên họp có nguyên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cùng đại diện của hơn 80 nước và một số tổ chức quốc tế liên quan. Tại Phiên thảo luận, hầu hết ý kiến đều bày tỏ quan ngại về xu hướng gia tăng đáng kể các hành vi xâm phạm đối với trẻ em trong xung đột khiến nhiều trẻ thiệt mạng, bị thương hoặc ly tán. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị ép làm lính, trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và bị cản trở tiếp cận nhân đạo. Nhiều quốc gia lên án các hành vi sát hại trẻ em trong những cuộc xung đột và tấn công vào các cơ sở giáo dục, y tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ - nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột thông qua thúc đẩy phát triển bền vững, giúp trẻ em tránh được hậu quả của chiến tranh và bạo lực. Đại diện Việt Nam khẳng định việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế có ý nghĩa then chốt trong công tác bảo vệ trẻ em. Tất cả các bên trong xung đột phải tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ, trong đó có Nghị quyết 2573 (năm 2021) của HĐBA do Việt Nam đề xuất về bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trong xung đột, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam cho rằng cần tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia thành viên và các cơ quan liên quan của LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình phát triển của LHQ (UNDP), các Phái bộ gìn giữ hòa bình… Cách tiếp cận toàn diện này giúp tạo ra khuôn khổ gắn kết các nhiệm vụ duy trì hoà bình, phát triển kinh tế với công tác bảo vệ trẻ em cả trước, trong và sau xung đột.

Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, LHQ và các bên liên quan khác trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột, góp phần bảo đảm tương lai an toàn và tốt đẹp cho tất cả trẻ em trên thế giới.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Lần đầu tiên có bộ tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Lần đầu tiên có bộ tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 25/6, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức Lễ công bố tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA về “Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN