Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 19/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta là 1.068 ca, trong đó, 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước (551 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay).
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong ngày 19/9, bệnh nhân 604 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Như vậy Việt Nam đã có 942 trường hợp trong tổng số 1.068 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 35 ca tử vong. Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, có 14 người âm tính 1 lần với với SARS-CoV-2; 3 người âm tính lần 2 và 22 người âm tính lần 3.
Cả nước hiện có 30.163 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; trong đó 416 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.321 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 14.426 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Cũng theo Bộ Y tế, đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm virus. Ở Việt Nam nguy cơ dịch bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Để phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.
Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch COVID-19.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương qua đời
Thông tin từ gia đình nhạc sỹ Phó Đức Phương cho biết, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã qua đời vào trưa 19/9/2020, hưởng thọ 76 tuổi.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương phát hiện ung thư tụy ở giai đoạn cuối nên sức khỏe suy kiệt rất nhanh. Nhạc sỹ Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê tại Hưng Yên. Năm 1966, ông thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Không thể và có thể”, “Một thoáng Tây hồ”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Về quê”, “Vũ khúc con cò”. “Chảy đi sông ơi”...
Các tác phẩm âm nhạc của ông được khán giả ở mọi lứa tuổi yêu thích bởi giai điệu đẹp, ca từ hay, giàu chất thơ và có nhiều tầng ý nghĩa, gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, cuộc sống người dân Việt Nam. Nhạc sỹ Phó Đức Phương còn viết nhạc cho nhiều bộ phim như: “Những đứa con”, “Trăng rằm”, “Lưu lạc”, “Giông tố”... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nguồn sáng trong đời”, “Tôi và chúng ta”, “Nghêu sò ốc hến”, “Thầy khoá làng tôi”, “Rừng trúc”...
Năm 2001, nhạc sỹ Phó Đức Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”.
Ngoài các sáng tác nổi tiếng, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng được biết đến là người rất quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sỹ. Ông từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam.
Bắt tạm giam Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh
Ngày 19/9, lãnh đạo công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa bắt tạm giam Mai Thị Hoa, sinh năm 1974, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh về tội “trốn thuế”, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 8-12/2018, Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh do Mai Thị Hoa điều hành đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty cổ phần The One Việt Nam (trụ sở tại thành phố Hà Nội) với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng nhưng không lấy hóa đơn giá trị gia tăng.
Để nâng khống giá trị và hợp thức đầu vào, Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh ký hợp đồng với Công ty cổ phần thiết bị y tế Bảo Anh (thành phố Hà Nội) mua 4 bộ máy giặt, máy sấy trên với giá trị 10 tỉ đồng (đã tính thuế giá trị gia tăng).
Sau đó, Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bán 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp cho 4 bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh với giá 12 tỉ đồng (bao gồm thuế giá trị gia tăng), gồm: Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà và Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.