Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng thu hút sự quan tâm, chú ý của các chuyên gia tại hội nghị.
Trong tham luận “Nhà nước, xã hội và pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế, chức vụ tại Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô về chủ thể các loại hình tội phạm này ngày càng rộng lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi, khép kín, lồng ghép với hành vi thao túng về chính trị để thu lợi bất chính về kinh tế, lợi ích nhóm giữa khu vực công và khu vực tư, xảy ra trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ mới được phát hiện, gây bức xúc trong xã hội, gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn nguồn lực tài sản của Nhà nước, của quốc gia.
Phó Viện trưởng thường trực Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài, có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ; chủ động tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, là lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Trước thực trạng tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và với hình thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ câu kết chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Huy Tiến đề xuất đẩy mạnh xây dựng thể chế, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là khắc phục sơ hở, thiếu sót, bất cập trong các quy định pháp luật, đảm bảo tương thích với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tăng cường sự quản lý của Nhà nước. Ông cho rằng cần thực hiện rà soát và ban hành các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập; áp dụng giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch kinh tế, dân sự, góp phần phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế; ngăn chặn tẩu tán, ẩn lấp tài sản tham nhũng, chuyển dịch tài sản, tiền tệ do phạm tội mà có ra nước ngoài; tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; và tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đại diện Việt Nam chỉ rõ đoàn kết quốc tế và hợp tác quốc tế là nền tảng quan trọng để cùng phát triển, là thông điệp chính trị, pháp lý mang tính toàn cầu và sẽ là kim chỉ nam hành động cho các nhà thực thi pháp luật trên chặng đường phía trước, cũng như để cùng xây dựng một thế giới công bằng và văn minh.
Hội nghị quốc tế về khoa học hình sự là hoạt động thường niên do Cuba tổ chức và từ hơn ba thập kỷ qua đã trở thành một diễn đàn có uy tín tại khu vực Mỹ Latinh để trao đổi kinh nghiệm về chính sách hình sự, với sự tham gia đông đảo của các công tố viên, luật sư, thẩm phán, bác sĩ pháp y, giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu. Hội nghị năm nay có sự hiện diện của các đại biểu đến từ Venezuela, Bolivia, Nga, Belarus, Mông Cổ, Mozambique, Colombia, Tây Ban Nha, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, đoàn đại biểu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nước ta đã hội đàm cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát Cuba Yamila Peña Ojeda; tiếp xúc song phương bên lề hội nghị với đoàn đại biểu Nga; dâng hoa lên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên mang tên Người ở thủ đô La Habana và thăm Trung tâm Fidel Castro, nơi thu thập, lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh những di sản của vị Tổng tư lệnh cách mạng Cuba.