Vận dụng tư tưởng của Bác Hồ trong xây dựng lực lượng Cảnh sát biển tinh, gọn, mạnh

Hiện nay, về cơ bản, tổ chức, biên chế, trang bị phương tiện của lực lượng Cảnh sát biển (LLCSB) đã và đang được đầu tư đúng hướng, bảo đảm được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết: Cảnh sát biển Việt Nam sẽ vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng Cảnh sát biển tinh, gọn, mạnh.

Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), hiện nay, công tác lãnh đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đến các cơ quan, đơn vị. Đã có sự bao quát toàn diện các nhiệm vụ và triển khai thuận lợi các biện pháp công tác trong toàn lực lượng.  

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển trong giai đoạn mới, đòi hỏi LLCSB phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nội dung trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh. Thiếu tướng Bùi Quốc Oai nhấn mạnh, trong thời gian tới, toàn lực lượng tập trung thực hiện tốt việc quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp về nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức, biên chế CSB trong tình hình mới.  

Đây là nội dung rất quan trọng nhằm thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, có chiều sâu, hiệu quả. Nội dung giáo dục cần tập trung phổ biến, quán triệt làm rõ quan điểm của Bác, sự vận dụng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các chỉ thị, hướng dẫn của trên về điều chỉnh tổ chức CSBVN, trọng tâm là Đề án Xây dựng LLCSBVN giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.  

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sớm ổn định, kiện toàn tổ chức biên chế của lực lượng như: Kiến nghị, đề xuất thành lập Phòng Quân báo - Trinh sát thuộc Bộ Tham mưu, Ban Quân báo - Trinh sát thuộc Phòng Tham mưu các Vùng CSB. Nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ CSB thành Trường CSB. Sắp xếp lại các phòng nghiệp vụ pháp luật thuộc các Vùng CSB, các Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm ma túy....

Tập trung các nguồn lực bảo đảm phương tiện, vũ khí, trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính quy, phấn đấu đến năm 2030, CSBVN đạt trình độ hiện đại. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực hiện đại, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực chỉ huy, chỉ đạo và trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để quản lý, khai thác, làm chủ các loại phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.  Quan tâm đến công tác tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đủ số lượng, cơ cấu ngành nghề.

Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cả về trình độ chỉ huy, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ. Tăng cường đột phá vào công tác huấn luyện, chuyển giao công nghệ từ khi triển khai đóng mới tàu hay tiếp nhận trang bị mới, trong đó trọng tâm là đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.

Tăng cường tổ chức các hội thi, hội thao thực sự có chất lượng, hiệu quả nhằm thúc đẩy phong trào huấn luyện tại đơn vị, phấn đấu làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong hoạt động thường xuyên cũng như trong tình huống khó khăn, phức tạp nhất. Đồng thời cần có nhiều chủ trương, chế độ chính sách phù hợp, kịp thời quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ CSB, nhất là đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật hiện đại và tạo nguồn vật tư dự trữ đầy đủ, kịp thời. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã tác động đến các hoạt động thông thương trên biển và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển đảo.  

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Lê Quang Đạo (thứ 2 từ trái qua), Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.

Thời gian tới, CSB cần tiếp tục được đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đóng mới tàu thuyền, trong đó chú trọng đầu tư đóng các tàu có trọng tải lớn có thể hoạt động dài ngày trên biển xa. Nâng cấp hệ thống chỉ huy, các phương tiện quan sát, thông tin liên lạc để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý tốt các tình huống đột xuất. Nâng cao năng lực bảo đảm an toàn trong cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường biển.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng doanh trại, cầu cảng, vị trí neo đậu tàu thuyền bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng. Đầu tư xây dựng các trạm sửa chữa tổng hợp hiện đại tại các Bộ Tư lệnh Vùng CSB, Hải đoàn, Hải đội đóng quân xa để có đủ trang thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ, chuyên gia kỹ thuật, vật tư phụ tùng dự phòng thay thế nhằm nâng cao năng lực tự bảo đảm cho các đơn vị, đáp ứng yêu cầu bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa tại đơn vị.

Xây dựng các kho chiến dịch tại các cơ quan, đơn vị có đủ khả năng cất giữ đa dạng các chủng loại vật tư với số lượng lớn, bảo đảm kịp thời khi có tình huống. Tạo nguồn bảo đảm hậu cần, vật tư kỹ thuật, ZIP dự trữ tàu, bờ bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và các tình huống cao, đột xuất. Trong đó có cả lượng dự trữ quốc gia, dự trữ cấp chiến lược của BTL CSB bố trí tại các đơn vị và lượng dự trữ thường xuyên.

Phát huy nội lực, đồng thời tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Đối với những quốc gia có biển, hợp tác quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, trật tự trên biển là một trong những yêu cầu chiến lược quan trọng, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. CSBVN có trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần giải quyết các vấn đề bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo.

Mặt khác, với vai trò là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, CSBVN cần tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng các diễn đàn quốc tế và khu vực, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trên thế giới nhằm nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam cũng như LLCSBVN, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đây là cách để CSB tích cực tham gia vào xây dựng và chấp hành luật pháp quốc tế cũng như thông lệ và thỏa thuận quốc tế. Thiếu tướng Bùi Quóc Oai cho rằng: Điều chỉnh tổ chức biên chế, lực lượng trong Quân đội nói chung, CSBVN nói riêng theo hướng tinh, gọn, mạnh ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung uơng, Bộ Quốc phòng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng CSBVN trong tình hình mới.

Vì vậy, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương này là cơ sở quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu lực, hiệu quả xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, luôn là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia dân tộc và thực thi pháp luật trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Bài và ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Chiều 25/1, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia và đại biểu các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN