Trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, nhiều hộ gia đình, nhiều khu phố, quận, huyện, tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tại nhiều địa phương quá tải… Song, với quyết tâm cao nhất, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân và đồng bào có đạo đang tập trung, đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo đã ban hành văn bản hướng dẫn chức sắc, chức việc, người của tôn giáo mình và các cơ sở tôn giáo tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, huy động đồng bào có đạo không ngại khó khăn, tích cực ủng hộ, đóng góp chia sẻ tài lực, vật lực, suất cơm, gói quà và đã có trên 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia tuyến đầu hỗ trợ cho lực lượng y tế chăm sóc người mắc COVID-19, đảm trách những công việc nặng nề và nguy hiểm nhưng rất cao cả tại các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và địa phương vùng dịch. Điển hình như ngày 22/7, TP Hồ Chí Minh đã triển khai đợt 1 với 238 tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các Bệnh viện dã chiến và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Thành phố.
Nhiều tổ chức tôn giáo đã tình nguyện để cơ sở tôn giáo làm nơi cách ly tập trung, tự lo trang trải chi phí, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa… Những nghĩa cử cao đẹp, tình đoàn kết yêu thương và tấm lòng thiện nguyện được chính quyền và nhân dân rất trân trọng, đã lan tỏa tinh thần bác ái, nhân văn của các tôn giáo trong đời sống xã hội.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ Nội vụ/Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của lãnh đạo các tổ chức tôn giáo; chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và đồng bào có đạo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với nhân dân, không ngại gian khổ, dấn thân vì cộng đồng, vì nhân dân, đóng góp nguồn lực của các tôn giáo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 27/4 đến sáng 1/8, Việt Nam đã ghi nhận 146.441 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.237 ca nhập cảnh và 144.204 ca ghi nhận ở trong nước. Có 62/63 tỉnh, thành phố ghi nhận có ca mắc COVID-19.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và khó lường nên công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Đã xuất hiện một số ổ dịch liên quan đến các cơ sở tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương như: Điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung “Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng”; Viện Thánh kinh Thần học thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam); chùa Lâm Quang, chùa Ấn Quang tại TP Hồ Chí Minh; chùa Thiên Quang tại Bình Dương và nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo bị mắc COVID-19.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) vừa có công văn đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm một số nội dung. Trong đó, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7, với tinh thần “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không đi khỏi nơi cư trú từ ngày 1/8 đến khi hết giãn cách (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép).
Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu, phụ trách cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có thái độ nghiêm khắc và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tôn giáo, các cơ sở tôn giáo không chấp hành quy định về phòng, chống dịch. Xử lý theo giáo luật đối với các cơ sở tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo có hành vi lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội, Internet để tuyên truyền, đưa thông tin tiêu cực, không đúng về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong tín đồ, quần chúng nhân dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không chấp hành quy định phòng dịch, để lây nhiễm dịch tại cơ sở thờ tự, trong chức sắc, tín đồ và ngoài cộng đồng.
Đối với các tỉnh, thành phố chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung tạm dừng hoặc hạn chế tối đa các sinh hoạt tôn giáo tập trung; thực hiện giãn cách tại cơ sở thờ tự 2m/người; khuyến khích thực hiện các sinh hoạt tôn giáo theo hình thức online, trực tuyến. Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn và đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 với chính quyền, góp phần ngăn chặn dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo, các trang truyền thông của Giáo hội cập nhật thông tin, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn tin chính thống và phổ biến đến các cơ sở thờ tự, điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về dịch, nâng cao ý thức phòng dịch của chức sắc, tín đồ và nhân dân. Tiếp tục vận động tình nguyện viên, y sỹ, bác sỹ trong các tôn giáo có đủ điều kiện sức khỏe tham gia chăm sóc bệnh nhân ở vùng dịch; lựa chọn các cơ sở tôn giáo phù hợp để sử dụng làm điểm cách ly y tế, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi các tổ chức tôn giáo trực thuộc, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước chung tay với các cấp chính quyền hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong các vùng dịch, nhất là những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; đồng thời, tích cực ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ thành lập để tiếp tục có nguồn kinh phí mua vaccine phòng dịch cho nhân dân.