Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về giao thông tại Đồng Nai

Ngày 11/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” tại tỉnh Đồng Nai.

Chú thích ảnh
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tai buổi làm việc. 

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2009 đến 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cơ bản duy trì. Tai nạn giao thông giảm dần theo từng năm, đặc biệt là số người chết. Qua công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, lực lượng chức năng đã phát hiện 40 trường hợp xe mô tô không rõ nguồn gốc và 75 bộ hồ sơ đăng ký xe giả, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Bất cập lớn trong giao thông ở Đồng Nai là hệ thống hạ tầng giao thông không đảm bảo, chậm được đầu tư. Là tỉnh công nghiệp, song nhiều tuyến đường trên địa bàn nhỏ hẹp, chưa có dải phân cách, chưa đủ hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu. Nhiều dự án trọng điểm về giao thông chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền pháp luật giao thông chưa thực sự được chú trọng. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa chặt chẽ; năng lực của một số cán bộ còn hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc không đảm bảo chất lượng, gây mất an toàn giao thông. Cụ thể, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn nhiều vị trí chưa có đầy đủ vạch sơn, biển báo; thiếu hệ thống chiếu sáng; mái ta luy cầu vượt bị mưa lớn xói trôi đất tràn vào nhà dân. Tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 51 có nhiều vị trí xuống cấp; còn 3 nút giao phức tạp, thường xuyên ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tuyến quốc lộ 20 chưa có dải phân cách cứng.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị, Quốc hội sớm ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; cơ quan Trung ương sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đề ra cơ chế đặc thù để tăng số lượng biên chế cho các địa phương có tình hình giao thông phức tạp.

Tỉnh kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; lắp đặt dải phân cách, bổ sung hệ thống chiếu sáng trên quốc lộ 20; thường xuyên thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng tại quốc lộ 51. Trung ương sớm mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để tránh quá tải, giảm ùn tắc tại nút giao giữa cao tốc và quốc lộ 51; xem xét, thống nhất đầu tư cải tạo nút giao ngã tư Vũng Tàu (nút giao giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 51) và cụm nút giao cổng 11 (cụm nút giao giữa quốc lộ 51 và các tuyến đường thuộc thành phố Biên Hòa) thành những nút giao khác mức; sớm chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn với nhà đầu tư quốc lộ 51 để xác lập quyền sở hữu toàn dân, tháo dỡ trạm thu phí.

Chú thích ảnh
Thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu ý kiến. 

Nhiều ý kiến của Đoàn Giám sát đề nghị, tỉnh Đồng Nai cần phân tích, tìm ra nguyên nhân, giải pháp để xóa các “điểm đen” về giao thông; đồng thời, ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang đường bộ, xử lý xe quá khổ, quá tải; làm rõ công tác đào tạo sát hạch lái xe để ngăn chặn triệt để tiêu cực, nhũng nhiễu; nghiên cứu, đưa ra phương án phân luồng giao thông phù hợp tại các nút giao.

Kết luận buổi giám sát, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị tốt báo cáo cho đợt giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị tỉnh bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đề xuất từng vấn đề theo hướng cụ thể nhất. Đoàn Giám sát sẽ thực hiện tổng hợp kiến nghị của tỉnh để đưa vào báo cáo gửi Quốc hội; làm việc với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để làm rõ, xử lý những kiến nghị này.

Ông Lê Tấn Tới cũng yêu cầu cơ quan chức năng Đồng Nai tiếp tục phân tích, làm rõ nguyên nhân hạn chế trong chính sách pháp luật, hạ tầng giao thông tác động đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)
Hà Nội bàn về đường sắt đô thị, mong muốn giảm tải ùn tắc giao thông
Hà Nội bàn về đường sắt đô thị, mong muốn giảm tải ùn tắc giao thông

Hà Nội đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành bàn thảo về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), ưu tiên cho đường sắt đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN