Ngày 11/4, UBND TP Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Nội, Hội Cầu đường Hà Nội, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.
Theo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng "TOD" và bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực "TOD" được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400 km đường sắt, còn TP Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200 km.
Mục tiêu này với Hà Nội không đơn giản, vì cần tạo ra đột phá và phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Việc Hà Nội phát triển đô thị theo định hướng "TOD" sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị (Metro), vì Metro có nhiều ưu điểm như: Giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… để đưa vào Luật.
“Đối với Việt Nam, đây là vấn đề mới, nên cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để người dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ. Lãnh đạo Hà Nội mong muốn, tại Hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để đạt mục tiêu 2 năm tới hoàn thành 100 km…”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn.
Còn TS. Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%.
Liên quan đến việc chậm tiến độ của các tuyến Metro khác đang triển khai như dự án tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến Metro số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), ông Nguyễn Văn Thái (Ban Quản lý dự án Đường sắt) cho biết, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa 2 dự án (tại khu vực Ga Cát Linh). Do đó, các điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia phần công việc phải thực hiện của từng dự án để đưa khối lượng tương ứng vào ngay từ đầu, tránh tranh chấp, điều chỉnh về sau.
Ông Nguyễn Văn Thái cũng chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ là khâu giải phóng mặt bằng và đề nghị cần tách phần giải phóng mặt bằng của các dự án Metro thành dự án thành phần riêng, triển khai độc lập, để khi dự án chính triển khai đã cơ bản có mặt bằng sạch.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý Metro Hà Nội cho rằng, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù giải phóng mặt bằng; thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực "TOD" được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư...